HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII
Trong hai ngày 9 và 10/7, HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII với nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư công, tài chính, ngân sách, giáo dục, đất đai, tài nguyên môi trường…
Trong hai ngày diễn ra cuộc họp và trải qua nhiều phiên chất vấn cùng các giải trình của các đơn vị liên quân thì các phiên chất vấn vẫn “nóng” lên hai vấn đề chính đó là về việc còn nhiều khó khăn, bất cấp trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và bảng giá đất mới được điều chỉnh tăng quá cao, tạo áp lực về tài chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Về vấn đề vận hành chính quyền hai cấp mới theo ý kiến nhiều đại biểu: Hiện nay, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đang gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện phục vụ hoạt động của chính quyền cấp xã. Về lâu dài, cần có các cơ chế để xã huy động các nguồn lực xây dựng trụ sở hành chính các xã để tránh phân tán địa điểm làm việc của Đảng ủy – HĐND – UBND - MTTQ cấp xã. Bên cạnh đó, đề nghị sớm có định hướng xây dựng hệ thống tiêu chí, quy hoạch của xã để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ xã.
Liên quan đến việc vận hành chính quyền 02 cấp, các đại biểu đã góp ý dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu cho rằng, cần có hướng dẫn đối với các Nghị quyết đặc thù đối với cấp huyện trước đây; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách của các xã. Cần có hướng dẫn để xử lý nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, nợ đọng xây dựng cơ bản sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Các đại biểu đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần ban hành Nghị quyết để thực hiện khoán xe công bởi trong điều kiện của tỉnh Nghệ An nếu bố trí đủ xe công cho cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị Sở Nội vụ sớm có hướng dẫn về việc thực hiện chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách tại cấp xã.
Bên cạnh đó, một vấn đề “nóng” khác không chỉ chính quyền các cấp mà người dân cũng rất trông đợi vào chính sách, câu trả lời phù hợp từ cuộc họp HĐND tỉnh lần là việc điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh ban hành vào ngày 21/5, bảng giá đất tại nhiều nơi đã tăng vọt, thậm chí có nơi tăng đến hơn 10 lần so với giai đoạn 2020-2025. Nhiều tuyến đường đắt đỏ được định giá hàng trăm triệu đồng. Theo đó, cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phản ánh bảng giá đất tăng quá cao, không phân định đối tượng, loại đất, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của người dân. Điều này tạo áp lực về tài chính cho người dân và doanh nghiệp, nhất là khi người dân làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở, thì phải đóng tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất cao hơn nhiều lần so với trước đây.
Tại phiên chất vấn chiều 9/7, ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh giải trình về vấn đề trên như sau: Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, tại khoản 1, Điều 257 đã quy định rõ: Trong thời điểm Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025; UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước trên cơ sở căn cứ để điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật.
Đối với tỉnh Nghệ An, bảng giá đất đã được xây dựng năm 2019 trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013 điều chỉnh 8 nội dung. Luật Đất đai năm 2024 quy định điều chỉnh nhiều hơn với 11 nội dung; trong đó có những nội dung nếu áp dụng theo bảng giá đất ban hành năm 2019 sẽ bất cập, không thể thực hiện việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Bởi bảng giá đất năm 2019 được xây dựng theo khung bảng giá đất cận trên và cận dưới do Chính phủ ban hành; còn Luật Đất đai năm 2024, yêu cầu xây dựng bảng giá đất theo hướng tiếp cận với giá thị trường.
Quá trình triển khai, các dự án trên địa bàn tỉnh cần có bảng giá đất mới để giao đất tái định cư, giao đất không thu tiền sử dụng đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, áp dụng để giao đất 1 lần… Vì vậy, yêu cầu phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2024; đồng thời hạn chế tối đa tác động từ việc điều chỉnh bảng giá đất mới đối với người dân và doanh nghiệp, ngành đã tính toán rất kỹ, tiền thuê đất của các doanh nghiệp đảm bảo mức tăng cao nhất là từ 10 – 20% (trừ những điểm đột biến do lỗi trước đây xây dựng bảng giá chưa phù hợp hoặc tuyến đường mới xây dựng sau này).
Theo đó, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh tỷ lệ đất thương mại, dịch vụ từ 55% về 20%; điều chỉnh đất cơ sở sản xuất, kinh doanh thu từ 50% về 20%; đất khoáng sản từ 100% về 40%.
Cũng theo nhận định của ông Việt, vấn đề tác động nhất là người dân thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, vừa ảnh hưởng của bảng giá đất điều chỉnh mới, vừa ảnh hưởng từ nghị định của Chính phủ. Trước đây, theo Nghị định 45 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2013, quy định chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao gắn liền với thửa đất ở chỉ nộp 50% tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Còn Nghị định 103 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024 thì quy định nộp 100% diện tích chuyển mục đích. Hiện nay, tỉnh Nghệ An cùng với một số địa phương trong cả nước đã đề xuất Chính phủ sửa đổi nội dung này; hiện Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 103 đã đưa vào dự thảo điều chỉnh sửa quy định chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao gắn liền với thửa đất ở về 50% như trước đây.
Ngoài ra cuộc họp cũng còn nhiều vấn đề rất được nhiều đại biểu cũng như nhân dân quan tâm như “giải pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng”….
Kỳ họp lần này cũng đã thông qua 19 nghị quyết chuyên đề quan trọng về tất cả các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư công, tài chính, ngân sách, giáo dục, đất đai, tài nguyên môi trường… của toàn tỉnh .
Xuân Hòa