Những ngày ở Phú Quốc tôi gặp một vài cựu tù tầm tuổi tám mươi, da mồi, tóc bạc nhưng vẫn cố quay lại tìm kiếm dấu vết những cuộc vượt ngục, trong đó có căn hầm các cụ từng đào và vượt qua và cũng là hố chôn tập thể anh em đồng đội còn lại sau cuộc vượt ngục, nhưng không lần ra dấu vết. Tôi theo các cụ tìm đến nhà Bảo tàng lịch sử của nhà tù mong bắt gặp những hiện vật kể về những cuộc vượt ngục bi tráng. Tiếc thay, ở nhà bảo tàng này mới chỉ chú trọng vào việc trưng bày hiện vật và hình ảnh về tội ác man rợ của kẻ thù, mà chưa kịp làm công việc đáng lẽ phải làm trước tiên, cốt lõi của bảo tàng nhà tù Phú Quốc, ấy là những bằng chứng về cuộc chiến đấu quật cường, giữ trọn khí tiết người chiến sĩ trong tù, trong đó dành phần trang trọng về những cuộc vượt ngục. Hơn đâu hết, bảo tàng Nhà tù Phú Quốc phải là nơi giữ lửa, truyền lửa yêu nước của thế hệ đi trước cho hôm nay và ngày mai.
Trong khi đi sưu tầm tài liệu để viết về những cuộc vượt ngục ở nhà tù Phú Quốc, tôi được ông Dương Hữu Lộc, ở ấp An Lộc Thị, xã An Thanh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, năm nay 86 tuổi, nguyên là cán bộ chính trị, năm 1945 ở lại miền Nam hoạt động công khai tại Trà Vinh, sau bị địch bố ráp, bắt đưa ra giam ở nhà tù Phú Quốc kể câu chuyện vượt ngục bằng binh vận hết sức độc đáo, chưa được nói đến trong ký sự Nhà lao Cây Dừa của nhà văn Chu Lai và trong Bảo tàng Phú Quốc. Chuyện của cụ Lộc kể lại như sau:
Ngày đó, cụ Lộc và một số anh em cán bộ chính trị và quân sự hoạt động ở Trà Vinh, Bến Tre, Rạch Giá từ những năm kháng chiến chống Pháp, ở lại hoạt động, bị nguỵ quyền Sài Gòn bắt năm 1955, giam ở nhà tù Phú Quốc. Bấy giờ địch đối xử với tù nhân hết sức dã man, như đánh đập, bỏ đói, bắt lao động khổ sai đến kiệt sức. Vì thế anh em trong trại giam thường xuyên đấu tranh tuyệt thực và làm reo chống lại chế độ hà khắc của nhà tù. Ở khu trại giam chúng tôi, tết năm 1955 có tổ 3 tù nhân vượt ngục, về được tới Rạch Giá, trong khi tìm cách móc nối với cơ sở để tiếp tục hoạt động cách mạng thì bị địch bắt, tra tấn dã man, đẩy trở lại nhà tù Phú Quốc. Cuộc vượt ngục của ba anh chiến sĩ bị thất bại, nhưng với những người nuôi chí vượt ngục tiếp theo thì thất bại của mấy anh lại mở đường cho những người đi sau biết nhiều điều cụ thể như đường đi, cơ sở trên đảo, cách liên lạc ...
Sau tết, để chuẩn bị vượt ngục anh em trong trại A và B bí mật tổ chức Ban đại diện để nắm tình hình địch, móc nối với cơ sở bên ngoài, lên kế hoạch vượt ngục. Tổ trưởng Ban đại diện là anh Đồng Văn Nam, vốn là là ký giả ở Sài Gòn. Bất cứ lúc nào có thể nói chuyện với nhau được, anh em đều trao đổi chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục. Anh em đang mưu sự thì tôi bỗng gặp đại uý Tiết mới từ đất liền được điều ra trại giam làm giám thị. Ngày còn ở quê cụ Lộc và Tiết cùng học trường Bách nghệ Trà Vinh, rồi sau đó hai người đi hai đường. Gặp lại Tiết tuy khác nhau về đường đi, nhưng quen biết thuở nhỏ nên Tiết cũng có ý giúp cụ đôi việc như cho chuyển quà, cho đưa cơm anh em tù bị ốm đau và được nói chuyện với số binh lính. Từ quen biết, anh em gặp và vận động Tiết cho số binh lính dưới quyền hắn mở rào giúp anh em vượt ngục. Anh em thuyết phục Tiết rằng cách vượt ngục bằng đào hầm do kéo dài ngày chuẩn bị, dễ bị lộ. Lúc đầu Tiết không giúp, vì sợ lộ, bị liên lụy. Một lần vợ Tiết từ đất liền ra thăm chồng, cụ gặp chị ta, nhờ chị nói thêm, Tiết im lặng một thời gian rồi nhận lời giúp. Tiết không trực tiếp làm việc này, nhưng cho lính dưới quyền của hắn mở lỗ rào.
Tổ vượt ngục gồm 11 người. Bây giờ cụ vẫn còn nhớ tên gần hết số anh em là: Anh Khoẻ, huyện Long Hồ, Vĩnh Long; anh Đệ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long; anh Sáng, anh Bái, quê Sa Đéc, anh Đáng, anh Đen quê Trà Vinh; anh Tươi, quê Rạch Giá...
Đêm ấy, Tiết bí mật báo cho tù nhân sẽ cho mở kẽm gai gần chốt gác giáp lộ cao su, chỉ còn để lại một hàng rào ngoài cùng cao hai mét, người vượt ngục buộc phải leo qua vì nếu mở cả hàng rào ngoài cùng, dễ bị lộ. Mười một anh em trong tổ vượt ngục mừng khấp khởi, chỉ biết kín đáo nắm tay anh em ở lại, hẹn ngày gặp nhau ngoài căn cứ kháng chiến trên đảo. Mười một anh em theo nhau chui rào, nhanh chóng vượt ngục, đi về phía Hàm Ninh. Vì trước đó đã liên lạc với cơ sở bên ngoài nhà tù, nên chừng 2 giờ sáng thì anh em gặp cơ sở. Cơ sở cách mạng đón tiếp chu đáo, làm cơm ăn mừng, đưa vào rừng cất chòi ở, hướng dẫn các công việc lao động tự nuôi sống mình và tiếp tục hoạt động. 11 anh em vượt ngục có người ở lại đảo, tham gia vào các đơn vị chiến đấu, có người về đất liền, tiếp thục công tác cách mạng. Anh Tươi hoạt động trưởng thành, là tỉnh uỷ viên tỉnh Rạch Giá trong kháng chiến. Còn cụ Lộc thì về Trà Vinh hoạt động cho đến ngày nghỉ hưu. Cụ biết 11 anh em cùng vượt ngục thì có ba anh hi sinh trong chiến đấu chống Mỹ .
Cuộc vượt ngục bằng binh vận ấy là cuộc duy nhất. Bởi lẽ, do anh em sơ ý để lại mảnh quần rách trên rào gai, nên bị lộ, địch truy tìm, bắt một số người, trong đó có cả đại uý Tiết và anh em binh lính mở rào, đưa về Rạch Giá, không biết sống chết ra sao...
Tôi chép lại câu chuyện của cụ Lộc để thêm vào những cuộc vượt ngục tù Phú Quốc một sự thật lịch sử hiếm hoi và không thể quên, góp vào trang sử chiến đấu anh dũng của những chiến sĩ bị giam trong nhà tù đế quốc.
HĐC