
Đại tá, CCB Nguyễn Trọng Thắng.
Với các CCB đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 30-4-1975là ngày đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời mình. Là một người trong số đó, tôi không thể nào quên những phút giây lịch sử hào hùng ấy.
Khi chiến dịch Tây Nguyên nổ súng, mở màn cho cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, chúng tôi đang học năm thứ 3 tại Học viện Chính trị Quân sự thì được lệnh lên đường tăng cường cho mặt trận. Tôi cùng một số học viên K15 được phong quân hàm cấp Trung úy trước thời hạn và điều về công tác tại Cục Chính trị Quân đoàn 2. Sau đó tôi được điều về Báo Quân đoàn 2. Là phóng viên chiến trường, nên tôi có điều kiện đi sát các đơn vị và nắm được nhiều thông tin quan trọng trong suốt chiều dài chiến dịch.
Ngày 3-3-1975, chúng tôi vượt qua cầu Hiền Lương đến cầu Thạch Hãn, qua Thành cổ Quảng Trị, hòa nhập cùng với các sư đoàn bộ binh 324, 325, 304 và lữ đoàn xe tăng 203, sư đoàn phòng không 673, lữ đoàn pháo binh 164 của Quân đoàn 2, hình thành thế bao vây từ 3 phía vào TP. Huế, thực hiện đòn tiến công chiến lược thứ hai: Giải phóng Huế - Đà Nẵng.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra từ ngày 5-3, kết thúc ngày 29-3-1975. Trong 24 ngày đêm chiến đấu liên tục, vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt, Quân đoàn 2 đã sát cánh chiến đấu cùng với các LLVT Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5, lập chiến công xuất sắc, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1, Quân khu 1 và Sư đoàn lính thủy đánh bộ của Quân lực Việt Nam cộng hòa, loại khỏi vòng chiến đấu trên 10 vạn tên địch, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng hoàn toàn các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên, Quảng Nam - Ðà Nẵng.
Tiếp đó, đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2 và các đơn vị chủ lực của Bộ hành quân dọc miền Trung vào Đông Nam Bộ đến trước cửa ngõ Sài Gòn. Dọc đường địch bỏ chạy toán loạn, các đơn vị chủ lực của ta từ nhiều hướng vừa tiêu diệt địch vừa hành quân cấp tốc tiến về bắc Sài Gòn.
Ngày 26-4-1975, sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ từ xa của quân ngụy Sài Gòn, năm cánh quân của ta, gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 cùng với các loại binh khí kỹ thuật hiện đại đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế trận nhiều tầng lớp, bao vây Sài Gòn. 17 giờ cùng ngày, quân ta nổ súng bắt đầu cuộc tiến công lớn vào các mục tiêu quan trọng của địch trong thành phố. Từ các hướng, năm cánh quân của ta, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng, được lệnh vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài để tiến vào trung tâm Sài Gòn.
Ngày 29-4, quân ta tổng công kích trên toàn mặt trận. Tất cả các cánh quân của ta, gồm 15 sư đoàn quân chủ lực, đồng loạt tiến công và chỉ trong một ngày đã phá vỡ toàn bộ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, ngăn chặn các tiểu đoàn chủ lực của chúng ở Tây Ninh, ĐBSCL không cho chúng tiếp viện về Sài Gòn, tạo điều kiện cho quân ta tấn công sâu vào nội thành. Đúng 5 giờ 30 phút ngày 30-4, quân ta từ 4 hướng đồng loạt đánh vào 5 mục tiêu đã lựa chọn: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Ðộc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành và Biệt khu thủ đô.
Quân đoàn 2 tổ chức vượt sông Sài Gòn tiến công địch, giải phóng Quận 9 và Thủ Thiêm. Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 đảm nhiệm đã vượt cầu xa lộ Ðồng Nai, đánh thẳng vào đội hình quân địch, thần tốc tiến về Dinh Ðộc Lập.
Đến 10 giờ 45 phút ngày 30-4, các đơn vị của Quân đoàn 2, bằng xe tăng và pháo binh, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Khi đó, mấy anh em cùng lớp học với tôi ở Học viện Chính trị - Quân sự lại có cơ duyên được gặp nhau tại trụ sở của Tổng nha cảnh sát quốc gia ngụy. Ai cũng vui mừng khôn siết khi được chứng kiến Sài Gòn giải phóng. Sau giờ phút thiêng liêng ấy, chúng tôi lại phải chia tay các đồng đội, chia tay Sài Gòn trở về trường học tập để hoàn thành chương trình của khóa học.
Đại tá Nguyễn Trọng Thắng