Lực lượng chức năng phun xịt khử trùng xe vận chuyển thịt heo nhiễm dịch tả heo châu Phi
Có lẽ hiếm có sự kiện nào lại gây sự phẫn nộ trên cộng đồng mạng nhiều như sự kiện cán bộ thú y tỉnh Đồng Nai cấp giấy kiểm dịch cho đàn lợn nhiễm dịch tả châu Phi của một hộ gia đình ở huyện Long Thành lưu thông vào T.P Hồ Chí Minh!
Sự việc bị lực lượng chức năng T.P Hồ Chí Minh phát hiện vào ngày 4-7. Không ai bảo ai mà ngay lập tức hàng trăm nghìn cư dân mạng đều ví kẻ ký giấy kiểm dịch là “địch”.
Gọi là địch kể cũng không quá, vì hơn 6 tháng nay, kể từ khi bùng phát dịch tại tỉnh Hưng Yên, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan ra tới 5.422 xã, thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố. Hiện, cả nước chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận là chưa phát hiện có dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ là 3.306.038 con, chiếm khoảng 11% tổng đàn lợn cả nước. Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con và đã có tới 9/11 huyện, thành phố có dịch, phải tiêu hủy hơn 47.000 con!
Còn thiệt hại, chỉ riêng chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, mua hóa chất sát trùng, thì cả nước đã ước khoảng 3.600 tỷ đồng - tính đến ngày 3-6. Đó là chưa tính địa phương có những tỉnh như Nam Định, chỉ riêng số tiền lấy trong ngân sách của tỉnh hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch đã là 450 tỷ đồng…
Có loại dịch nào có tốc độ lan truyền và khả năng công phá lớn như dịch tả lợn châu Phi?
Thấy được bệnh nguy hiểm, lại chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh, nên ngay từ khi phát hiện dịch các cấp uỷ, chính quyền từ T.Ư đến các địa phương đã chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với tinh thần “chống dịch như chống giặc” như Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư; cũng như các chỉ thị, công điện, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Đáng tiếc một cán bộ kiểm dịch ở Đồng Nai lại làm ngược lại. Đó thực chất là hành động phá hoại, phải bị dư luận lên án và phải bị pháp luật nghiêm trị.
Huy Thiêm