Trong căn nhà gỗ khang trang, ông Tú đưa chúng tôi quyển hồi ký ghi lại những kỷ niệm về hoạt động trong quân ngũ với nhiều thành tích nổi bật.
Năm 1989 ông nghỉ hưu và bắt đầu làm kinh tế từ đó.

Ông Sùng Nhìa Tú ươm bầu giống cây cà phê.

Bản Nặm Giắt quê ông rất khó khăn, giao thông không thuận lợi, đất đai bạc màu; người dân chủ yếu trồng ngô, sắn trên nương. Nhưng với sự quyết tâm của người lính dám nghĩ, dám làm, ông Tú đã tận dụng mảnh đồi của gia đình để phát triển mô hình trồng cây ăn quả, cây chè, cây cà phê. Năm 2001, ông mạnh dạn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng đầu tư trồng 0,5 ha cây cà phê. Khi cây cà phê chưa cho thu hoạch, ông trồng xen cây ngắn ngày như đậu, lạc, vừng.

Quá trình canh tác, ông đã đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật; tận dụng phân chuồng cải tạo đất để cây cà phê phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng tìm hiểu cách trồng chè, trồng mận hậu, mận tam hoa của người dân xã Phổng Lái, sau đó về trồng tại gia đình với diện tích gần 2ha. Ông còn trồng 1ha ngô nuôi 10 con lợn, 3 con trâu, bò. Hằng năm, gia đình ông Tú thu hoạch gần 8 tấn chè búp tươi, 4 tấn cà phê, 8 tấn mận hậu; trừ chi phí, thu lãi mỗi năm gần 100 triệu đồng.

Ông Tú cho biết: Trồng cây ăn quả dễ hơn các loại cây nông nghiệp khác, nhưng người trồng phải biết và hiểu rõ đặc tính của từng loại cây. Thời gian đầu, mình phải đặc biệt quan tâm, cung cấp đủ dinh dưỡng, nắm chắc hàm lượng phân bón cho từng loại cây, việc phòng trừ sâu, bệnh phải được thực hiện đúng kỹ thuật.

Hiện nay ông đang là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi bản Nặm Giắt, Trưởng dòng họ Sùng. Trong cuộc sống hằng ngày, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Với sự cống hiến của mình, ông Tú được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, là tấm gương để bà con trong bản, trong xã học tập, xây dựng bản làng ngày càng no ấm.

Nguyễn Thư