*** Chủ nhà đã nộp thuế nhà đất từ năm 1993 đến nay**

Hàng chục năm qua bà Trần Thị Liên đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, khiếu nại căn nhà 102 Trần Phú, TP Vũng Tàu của bà xây dựng trên đất tự khai phá, sau khi cho bộ đội mượn ngày 29-4-1975 (có xác nhận của đơn vị quân đội), nhưng sau đó đã bị chính quyền địa phương tự ý đưa vào “diện Nhà nước quản lý” rồi cho thuê trái với quy định của pháp luật. Trước yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, ngày 16-7-2012, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo việc giải quyết khiếu nại xin lại căn nhà của bà Liên. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh đã cố tình che giấu chứng cứ, hồ sơ tài liệu…

Thực tế là sau khi bà Liên tìm được đơn vị bộ đội đã mượn nhà, ngày 25-7-1992 nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Vũ Ngọc Ính đã xác nhận, đơn vị trinh sát của Trung đoàn 209 có ở nhờ nhà 102 của bà Liên vào ngày 29-4-1975, sau khi đơn vị phải di chuyển gấp, không kịp tìm chủ để bàn giao, đơn vị đành phải đóng cửa để lại. Ngày 16-5-1993, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Dương Hùng Tiến đã ký giấy trao trả nhà cho bà Liên trên cơ sở xác nhận mượn nhà của nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209. Ngày 1-8-2007, Trung đoàn 209 chính thức có Công văn số 157/CV gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị trả căn nhà 102 Trần Phú cho bà Liên. Ngày 14-10-2008, đại diện Sở Xây dựng đã đến nhà ông Vũ Ngọc Ính để xác minh căn nhà 102 Trần Phú. Tuy nhiên, khi báo cáo với Thanh tra Chính phủ ngày 16-7-2012, Sở Xây dựng lại cho rằng “theo lưu trữ, sở không có tài liệu nào thể hiện Trung đoàn 209 mượn nhà của bà Liên”. Thế nhưng, ngày 24-10-2008 nguyên Trung đoàn trưởng Vũ Ngọc Ính đã có đơn gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: “Ngày 14-10-2008, Sở Xây dựng có đến nhà tôi xác minh nhà 102 Trần Phú của bà Liên, nhưng về báo cáo sai sự thật để lấy căn nhà này”.

Liên quan đến nguồn gốc căn nhà vừa nêu, ngày 16-11-1992, tổ dân phố 2, phường 5, TP Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp xác minh căn nhà 102 Trần Phú, đã xác định: “Căn nhà 102 Trần Phú là của bà Liên xây dựng trên đất tự khai phá từ năm 1972 không có ai tranh chấp”. Biên bản cuộc họp thể hiện “bà con nhất trí đề nghị trả lại căn nhà cho bà Liên”. Ngày 30-5-2006, UBND phường 5 cũng đã có báo cáo, nêu rõ: “Căn nhà của bà Liên sau khi cho đơn vị bộ đội mượn đã diễn ra quá trình cho thuê, trên cơ sở thủ tục hồ sơ không có căn cứ pháp lý. Quan điểm của UBND phường là đề nghị trả lại nhà cho bà Liên theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 755 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Thế nhưng, trong báo cáo ngày 16-7-2012 với Thanh tra Chính phủ, Sở Xây dựng cho rằng: “Theo biên bản ngày 16-11-1992 thì các ý kiến không thống nhất, có ý kiến cho rằng “nhà này là của đại tá ngụy Lưu Yểm”, do đó ý kiến của người dân tổ dân phố là không có cơ sở”. Có thể nói, báo cáo vừa nêu của Sở Xây dựng là “cố tình bóp méo sự thật”, đồng thời coi thường kết quả cuộc họp của tổ dân phố và báo cáo của chính quyền sở tại, nhất là khi các biên bản và báo cáo vừa nêu, không có nội dung thể hiện sự “không thống nhất” như văn bản của Sở Xây dựng báo cáo.

Trong thời gian bà Liên trở lại Sông Bé và đi tìm đơn vị bộ đội mượn nhà, ngày 1-6-1982, UBND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã ra Quyết định 330/UB tạm giao căn nhà 102 Trần Phú cho UBND tỉnh Tiền Giang làm nhà nghỉ. Quyết định vừa nêu của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo dựa vào công văn của tỉnh Tiền Giang: “Có trường hợp bà Trương Thị Mỹ, sinh quán tại Mỹ Tho thời chế độ cũ xây “ngôi nhà bốn căn có lầu” tại Vũng Tàu “muốn hiến”, nên UBND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo giao căn nhà cho UBND tỉnh Tiền Giang”. Sau quyết định vừa nêu, Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang đã ký hợp đồng ngày 11-8-1989 cho Công ty nông sản đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thuê và “trích nộp lợi nhuận” về Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, để rồi công ty này lại ký hợp đồng giao căn nhà này cho tư nhân thuê lại. Tuy nhiên cho đến nay, không có một hồ sơ tài liệu nào chứng minh bà Mỹ có nhà tại 102 Trần Phú. Có lẽ việc cho rằng “việc quản lý căn nhà vừa nêu là do bà Mỹ hiến” là quá ‘ngây ngô”, nên khác với những báo cáo trước đây, trong báo cáo ngày 16-7-2012 với Thanh tra Chính phủ, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không còn đưa “bà Mỹ” nào đó ra làm căn cứ.

Mặc dù việc quản lý căn nhà như vừa nêu là không cơ sở pháp lý, nhưng việc “xập xí xập ngầu” nhằm chiếm dụng căn nhà xảy ra từ năm 1982. Tuy nhiên, trước khiếu nại của bà Liên, đến năm 2006 Sở Xây dựng “mới vớ được” tài liệu “Phiếu kiểm kê tài sản có ghi tên đại tá ngụy Lưu Yểm” tại địa chỉ nêu trên ngày 18-6-1976. Ngay lập tức, Sở báo cáo ngược trở lại là “căn nhà trên đã thuộc diện Nhà nước quản lý” từ năm 1975. Nhưng sau khi xác minh, ngày 4-8-2008, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo: “Đại tá ngụy Lưu Yểm sinh ngày 11-11-1928 tại Bạc Liêu có vợ là Nguyễn Thị Cẩn, trước ngày 30-4-1975 ở tại địa chỉ 245 Nguyễn Biểu, Chợ Lớn - Sài Gòn, đến ngày 2-10-1974 là Tỉnh trưởng Biên Hòa; qua xác minh sau ngày 30-4-1975, không ai có tên Lưu Yểm ở địa chỉ trên”. Đồng thời, ngày 25-6-2010, Cục Công nghệ thông tin chi nhánh phía Nam cũng đã có văn bản xác nhận: “Đã tìm sổ địa bộ và bản đồ thị xã Vũng Tàu trước đây, không có tên ông Lưu Yểm đứng bộ”. Thế nhưng, những kết quả xác minh vừa nêu của cơ quan công an và Cục Công nghệ thông tin, không thấy Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vào báo cáo ngày 16-7-2012 với Thanh tra Chính phủ.

Trước những điều “hết sức khó hiểu”, dư luận và công luận có quyền đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời những vấn đề sau: 1) Trong quá trình giải quyết khiếu nại căn nhà 102 Trần Phú của bà Liên, cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho đó là “nhà của bà Mỹ” và sau đó là “nhà của đại tá ngụy Lưu Yểm”. Đến nay cả hai trường hợp “Mỹ - ngụy” vừa nêu đều không có thật, vậy căn nhà 102 Trần Phú còn lại là của ai. 2) Lý do nào căn nhà 102 Trần Phú của bà Liên bị chính quyền địa phương đưa vào “diện Nhà nước quản lý” rồi cho tư nhân thuê, trong khi ngày 6-6-2012, Đội thuế phường 5 TP Vũng Tàu xác nhận: “Hộ bà Trần Thị Liên tại 102 Trần Phú đã nộp thuế nhà đất từ năm 1993 đến năm 2011 cho diện tích 280m2 đất ở và 634m2 đất nông nghiệp” kèm theo xác nhận của chính quyền địa phương. 3) Theo Khoản 4, Điều 50 của Luật Đất đai, các điều 4 và 7 Nghị quyết 755 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp nhà đất của bà Liên hoàn toàn có cơ sở pháp lý để giải quyết. Vậy dựa trên cơ sở nào Sở Xây dựng cho rằng việc giải quyết “bác đơn khiếu nại xin lại căn nhà” của bà Liên là đúng quy định của pháp luật?

Theo báo cáo của Sở Xây dựng với Thanh tra Chính phủ, ngày 16-5-1995 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 362/QĐ về giải quyết khiếu nại của bà Liên với nội dung “Nhà nước tiếp tục quản lý căn nhà 102 Trần Phú, không trả lại cho bà Liên”. Đồng thời sau quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1762/QĐ bác đơn khiếu nại xin lại căn nhà của bà Liên. Nhưng như chúng tôi đã đề cập, căn nhà 102 Trần Phú “được đưa vào diện Nhà nước quản lý” từ năm 1982 là trên cơ sở văn bản của UBND tỉnh Tiền Giang với nội dung “bà Trương Thị Mỹ có nhà muốn hiến”. Nhưng sự thật là không có bà Mỹ nào có nhà ở Vũng Tàu. Vì thế, nếu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Xây dựng “cứ căn cứ” vào đó để “tiếp tục quản lý căn nhà 102 Trần Phú” trong quá trình giải quyết khiếu nại xin lại căn nhà của bà Liên là không có cơ sở pháp lý.

Ngày 31-7-2012, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với bà Liên về việc khiếu nại xin lại căn nhà 102 Trần Phú. Trong khi Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo: “Bộ Xây dựng đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” đối với bà Liên, thì tại buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ, bà Liên khẳng định “Bộ này chưa hề làm việc với tôi lần nào”.

Luật pháp nước CHXHCN Việt Nam luôn khẳng định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Thiết nghĩ, đây là căn nhà mà bà Liên đã từng giúp đỡ quân giải phóng cho mượn trong lúc làm nhiệm vụ. Sự việc rõ như ban ngày! Đã có đơn vị quân đội mượn nhà xác nhận, nhân dân và UBND phường cũng xác nhận căn nhà 102 Trần Phú là của Bà Liên. Tại sao bao lâu nay chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lại cố tình không hiểu!?

Thái Minh