Nhọc nhằn đi tìm công lý…
Nếu xét đến thời điểm này, vụ việc đòi đất của gia đình nhà báo Đào Văn Nhân đã bước sang năm thứ bảy; trải qua 4 phiên tòa xét xử từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm và nhiều công văn, thông báo của cấp tòa tối cao trả lời gia đình nhà báo Đào Văn Nhân. Đó là sự thực trong hành trình đòi đất thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề vì sao đến nay gia đình nhà báo vẫn tiếp tục theo kiện, tìm công lý?
Theo đơn của gia đình do bà Đào Thị Hải (sinh năm 1952) được bà Vũ Thị Ánh Minh - vợ nhà báo Đào Văn Nhân ủy quyền đứng đơn và đi giải quyết việc đòi đất thì: “Năm 1944, cụ cố Chước trước khi mất có chia đất cho các con của cụ, trong đó ông Nhân được chia 381m2 vườn phía sau nhà thờ chính. Do thời điểm này ông Nhân đi hoạt động cách mạng ở miền Nam, đã nhờ ông Đào Văn Lễ (anh trai ông Nhân) trông nom hộ và đến khi nào ông Nhân về thì trả lại đất… Năm 1982, thực hiện Nghị định 299 của Chính phủ trong việc kê khai đất đai để lập bản đồ sử dụng đất, ông Nhân về quê đề nghị ông Lễ trả đất và ra xã kê khai diện tích đất được chia. Sau đó, bản đồ thời kỳ 1983-1985 và sổ mục kê những năm này của xã Tân Quang đã xác lập diện tích 381m2 đất ở đứng tên ông Nhân…”.
Năm 2003, ông Nhân về quê gặp ông Đào Văn Ký là cháu ruột để làm thủ tục lấy lại mảnh đất do vợ chồng cố Đào Văn Chước (bố mẹ đẻ ông Đào Văn Nhân) chia cho nhưng ông Ký không trả. Sau đó 2 năm, ông Nhân bệnh hiểm nghèo qua đời. Trước khi mất ông Nhân dặn vợ con tiếp tục phải đòi lại đất để sau này còn có chỗ về quê sinh sống, hương khói cho tổ tiên... Đến năm 2006, thực hiện di nguyện của chồng, bà Vũ Thị Ánh Minh về quê tiếp tục đòi đất. UBND xã Tân Quang đã ba lần mời hai bên ra hòa giải nhưng không thành nên cuối cùng đưa nhau ra tòa phán xử.
Về nguồn gốc đất là vậy, nhưng sau khi đưa vụ việc ra tòa án xét xử vào năm 2007, TAND huyện Văn Lâm ra Bản án số 05/2008/DSST tuyên buộc ông Ký phải trả lại đất cho bà Vũ Thị Ánh Minh. Ông Ký không đồng ý với bản án này đã có kháng cáo. Ngày 28-8-2008, TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục đưa vụ việc ra xét xử và ra Bản án số 46/2008/DS-PT, nhưng điều khá bất ngờ, là lần xét xử này bị “đảo chiều” - bà Vũ Thị Ánh Minh thua kiện.
**
“Tiền hậu bất nhất”?**
Do quyền lợi bị xâm phạm, bà Minh có đơn kháng cáo lên TAND Tối cao đối với Bản án số 46 nêu trên, sau đó, TAND Tối cao đã có Kháng nghị số 145/2010/KN-DS ngày 15-3-2010 đối với Bản án này.
Ngày 25-6-2010, Tòa dân sự TAND Tối cao đã xem xét vụ việc và ra Bản án giám đốc thẩm số 365/2010/DS-GĐT, xét thấy:
“Vợ chồng cố Chước có nhà và đất khoảng 2.000m2 tại thôn Tăng Bảo, xã Tân Quang. Nhiều nhân chứng xác nhận cố Chước chia nhà đất cho con trai…
Theo kết quả xác minh của Phòng TNMT huyện Văn Lâm thì bản đồ số 299 và sổ mục kê thời kỳ 1983-1985 đất cố Chước chia thành các thửa khác nhau, trong đó có thửa đất tranh chấp mang số thửa 12, tờ bản đồ số 04, diện tích 240m2 (ghi trong bản đồ là 381m2)… Đến bản đồ năm 1991, thửa này nhập vào phần đất liền kề thành thửa 158, diện tích 605m2; mang tên chủ hộ là Nhân, bên cạnh ghi chữ “Lễ”.
Như vậy, theo sổ sách và bản đồ năm 1983-1985-1991 thì có căn cứ cho rằng vợ chồng cố Chước chia đất cho các con.
Vì vậy Hội đồng giám đốc thẩm TAND tối cao đã ra quyết định hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 46 của TAND tỉnh Hưng Yên, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm lại và làm rõ theo hướng:

  • Sau khi kê khai đất năm 1982-1983 thì giữa gia đình cụ Lễ và cụ Nhân có thỏa thuận về việc chuyển diện tích cho nhau không?
  • Lý do vì sao trong sổ mục kê khi ghi tên cụ Lễ, khi ghi tên cụ Nhân đứng tên chủ sử dụng cùng một thửa đất?
    Tuy hướng dẫn của TAND Tối cao là vậy, nhưng khi xét xử phúc thẩm lần 2, TAND tỉnh Hưng Yên xét xử và ra Bản án số 12/2011/DS-PT ngày 25-3-2011 vẫn xử gần như giống Bản án số 46/2008/DS-PT trước đây.
    Tại Bản án số 12 đã quyết định xử: “Không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Vũ Thị Ánh Minh về việc đòi quyền sử dụng 381m2 đất đối với ông Đào Văn Ký… vì không có căn cứ pháp luật”…
    Đáng chú ý, trong bản án phúc thẩm lần 1 (Bản án số 46/2008/DS-PT) Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định “xác lập quyền sử dụng đối với mảnh đất tranh chấp thuộc về gia đình ông Đào Văn Ký”; còn tại bản án phúc thẩm lần 2 (Bản án số 12/2011/ DS-PT) lại không xác lập quyền sử dụng đất tranh chấp thuộc về ai mà chỉ tuyên không chấp nhận đơn của bà Vũ Thị Ánh Minh về việc đòi 381m2 đất nêu trên?!
    Bà Đào Thị Hải - đại diện nguyên đơn khởi kiện vụ án cho rằng, việc Bản án số 12 của TAND tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm lần 2 tuyên nhưng vậy có nghĩa là đã không tôn trọng Kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao và Quyết định giám đốc thẩm số 365 của Tòa dân sự TAND Tối cao do Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Hoàng Thị Thanh chủ trì xét xử. Do đó gia đình nhà báo Đào Văn Nhân tiếp tục phải khiếu nại lên TAND Tối cao.
    Trong khi đó tại Công văn số 1173/DS ngày 31-8-2012, do ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chánh tòa dân sự TAND Tối cao trả lời đơn của bà Hải (đại diện gia đình bà Minh) thì cho rằng: “… bà Minh chỉ dựa duy nhất căn cứ là ông Nhân có tên trên bản đồ 299 năm 1982-1985 để đòi đất. Cụ cố Chước chết trước năm 1945, giấy tờ về nguồn gốc đất cụ Chước không có, nên không thể xác định việc cụ Chước chia đất cho các con…”.
    Như trên phân tích rõ ràng đã có sự mâu thuẫn trong trả lời cũng như tại bản án phúc thẩm lần 1 và lần 2 của TAND tỉnh Hưng Yên. Vì vậy, Báo CCB Việt Nam đề nghị đồng chí Chánh án TAND Tối cao sớm xem xét chấp nhận đơn khiếu nại của gia đình nhà báo Đào Văn Nhân đối với Bản án số 12/2011/DS-PT ngày 25-3-2011 của TAND tỉnh Hưng Yên, đồng thời, rà soát lại các nội dung trong văn bản TAND Tối cao đã trả lời gia đình nhà báo vì có những điểm trả lời “tiền hậu bất nhất”…
    Diệp Minh