Khi đặt chân tới Long An, cháu viết thư về báo tin khoe với tôi: “Cháu đang chiến đấu ở miền Nam, cô chú nghe trên Đài tiếng nói Việt Nam bài hát “Vàm Cỏ Đông”, đấy chính là địa danh sông nước, nơi đơn vị cháu đang chiến đấu…”.
Sau này, nhận giấy báo tử của đơn vị, tôi mới biết cháu tôi hi sinh ngay cuối năm đó, tại mảnh đất Long An kiên cường.
Tháng 7-2009, sau 40 năm cháu hi sinh, tôi vào tỉnh Long An, dành cả một ngày vào nghĩa trang thành phố Tân An tìm mộ cháu. Đọc hàng trăm bia mộ, nhưng không có cháu tôi (Lê Anh Dũng - quê Xích Đằng, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên).
Tôi lại đi đến những nghĩa trang liệt sĩ khác ở các vùng ngoại vi và phụ cận trong tỉnh Long An tìm cháu. Vẫn bặt vô âm tín. Sông Vàm Cỏ thì dài hàng trăm cây số. Có tin đơn vị cũ của cháu báo là trận đánh cháu tham gia hi sinh ở trên sông Vàm Cỏ Đông…
Nghĩa là có thể thi thể cháu tôi đã từ sông ra biển trong một trận giao tranh với tàu chiến Mỹ - Tôi bùi ngùi nghĩ thế, rồi khăn gói ra Bắc! Cả nhà, nhất là mẹ cháu trông đứng, trông ngồi mong tôi về báo tin, cho dù tôi đã điện ra cho chị báo tin hằng ngày.
Tôi kể cho chị tôi nghe về con sông Vàm Cỏ Đông, là nhánh của con sông Vàm Cỏ… Sông dài, thơ mộng, đẹp như một bức tranh phong cảnh. Con chị tôi hi sinh ở đấy, tuy nay không tìm được phần mộ, nhưng nhất định thân xác cháu được nước sông Vàm Cỏ ôm ấp. Như thế là hồn cháu đã được siêu thoát…
Tôi vừa kể về cháu, vừa mở cho chị tôi nghe bài hát “Vàm Cỏ Đông” của nhạc sĩ Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ… Và cũng từ hôm ấy chị dâu tôi “nghiện” bài hát “Vàm Cỏ Đông” đến mức hầu như không ngày nào chị không mở băng nghe vài lần, nhất là về đêm và sáng sớm. Những lúc ngôi một mình chi khe khẽ hát “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết…”.
Năm nay chị bước sang tuổi 84, nhưng vẫn rất khỏe mạnh và đêm đêm vẫn nghe bài hát “Vàm Cỏ Đông”… Nhưng dạo này chị hay khóc. Khóc ở tuổi 84.
Nhìn chị khóc, tôi thương chị, tôi nghĩ, còn những người mẹ nào nữa trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu này cũng có con hi sinh trên dòng sông Vàm Cỏ Đông như chị tôi. Chắc hẳn có từng ấy người mẹ đều có chung nỗi niềm, thương nhớ, nặng lòng với Vàm Cỏ Đông như chị tôi.
Không phải bây giờ, mà đã từ lâu lắm rồi, tôi, chị tôi và hàng ngàn, hàng vạn những người con đất Bắc ở tận sông Hồng này đã nghe thấy tiếng gọi của sông Vàm Cỏ, tiếng gọi của cháu tôi, của rất nhiều những liệt sĩ khác nữa.
Những âm hưởng, điệp khúc trong bài hát “Vàm Cỏ Đông” lại vang lên trong tôi:
Vàm Cỏ Đông đây!
Ta quyết giữ
Từng mái nhà nép
dưới rặng dừa...
Nhẩm theo lời bài hát tôi bỗng thấy lòng mình dịu lại. Ôi, tiếng gọi của dòng sông. Tiếng gọi của người thân…!
Lê Hồng Thiện