Ông Trần Đình Tĩnh (thứ 3 phải sang) gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lễ tôn vinh các CCB làm kinh tế giỏi, ngày 30-4-2015.
“Làm gì cũng phải học hỏi trước” - Ông nghĩ thế. Và đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, tình cờ xem chương trình Truyền hình Việt Nam ông “bắt được thằng bạn chiến đấu” đang làm chủ Công ty Hồng Thái ở Hải Phòng, chuyên sản xuất các sản phẩm từ vật liệu mới Composite - thủy tinh (FRP). Ông khoác ba lô đi luôn đến gặp bạn. Ông Thái, bạn ông nói hài hước: “Thứ này có “yếu điểm” là không khói, không bị ô xi hóa, không bị mối mọt, đơn giản dễ làm, phù hợp với lao động thủ công. Sản phẩm thay thế được sắt thép, gỗ, ô nhiễm môi trường ít...”.

Ông xin được bạn truyền nghề. Và cũng theo lời khuyên của bạn, ông đến Trung tâm Nghiên cứu và Chế tạo tàu biển học cách “đúc” tàu thuyền. Thấy ông sáng dạ, có tâm, lại ham học hỏi, TS Nguyễn Văn Đạt, Trường đại học Thủy sản Nha Trang đã “rút ruột” hướng dẫn chuyển giao công nghệ.

Vốn sinh ra từ làng biển, gia đình có 3 đời đóng tàu thuyền đi biển nên ông quyết định vay vốn vào Hòn Rớ (Khánh Hòa) thành lập “Công ty TNHH COMPOSITE miền Trung” chuyên sản xuất đóng tàu biển.

Gọi là đóng tàu biển cho oai, chứ lúc đầu Công ty còn “bé con” có vài chục người, mà nòng cốt là 6 CCB, trong đó có vợ ông - CCB Nguyễn Thị Hường làm kế toán trưởng, con trai trưởng Trần Thanh Nguyên làm Phó Giám đốc. Đến nay ông đã có 2 phân xưởng sản xuất với 52 công nhân lành nghề, sản xuất tàu thuyền các loại bằng vật liệu COMPOSITE, thay thế thuyền gỗ, thuyền tôn phục vụ chống bão lụt, vận tải, khai thác nuôi trồng hải sản, du lịch, tuần tra. Cán bộ, công nhân viên trong công ty đều là con em các CCB trong xã.

Mơ ước của ông là đóng được tàu cỡ lớn cung cấp cho bà con đánh bắt xa bờ, nhưng phải "lấy ngắn nuôi dài", trước mắt chỉ sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh như các loại thùng xe chứa rác, lưới chắn rác, nắp hố gas giao thông, cánh cống thủy lợi, bình khí Biogas... Đến nay công ty đã sản xuất được 30 mặt hàng. Biết chiều thị hiếu khách hàng nên các sản phẩm Công ty làm ra được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Từ chỗ “tay không bắt giặc” nay ông có trong tay hàng chục tỉ đồng. Ban đầu lương bình quân của công nhân chỉ có 3 triệu đồng, nay đã lên tới 6 triệu đồng. Với phương châm: “An toàn, hiệu quả, kịp thời”, Công ty đang xây dựng dự án “Nâng cao và mở rộng sản xuất kinh doanh” nhằm vươn ra các nước khu vực ASEAN. Sản phẩm của Công ty ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đạt cấp Nhà nước, được Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Quốc gia tặng cúp vàng “Sản phẩm tiêu biểu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, 3 lần được chọn là hàng chất lượng cao trong Hội chợ khu vực và quốc tế...

Đã hơn 10 năm kể từ ngày thành lập, sản phẩm của Công ty đã minh chứng tính năng vượt trội so với gỗ và sắt thép. Hiện nay một số công ty ở Hàn Quốc và Hà Lan đã đến ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty. Ông đang xây dựng dự án “Triền đà đa năng” đóng tàu cỡ lớn có công suất từ 400 đến 1000 CV thay thế được tàu vỏ thép. Đây là một dự án táo bạo, mang tính đột phá, góp phần bảo vệ biển đảo quê hương. Nếu dự án thành công sẽ tạo công ăn việc làm cho con em trong xã và doanh thu của công ty mỗi năm sẽ là hơn 100 tỉ đồng.

Không chỉ biết làm kinh tế giỏi, ông còn tham gia các hoạt động xã hội; công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo, ủng hộ bà con bị thiên tai, hoạn nạn hàng trăm triệu đồng. Các đơn hàng đóng tàu, thuyền cho gia đình nếu là CCB, hoặc con em CCB ông giảm giá từ 3 đến 5 triệu đồng/chiếc...

Ngày 30-4-2015, ông ra Thủ đô Hà Nội dự Lễ tôn vinh các CCB làm kinh tế giỏi và vinh dự được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông thưa với Chủ tịch nước ông được như hôm nay chính là nhờ có đồng đội cưu mang giúp đỡ.

Hoàng Minh Đức