Ngày 16-7, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức - Nửa thế kỷ nhìn lại”.

Cách đây nửa thế kỷ, các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5, Sư đoàn 304, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mở Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức và đã giành thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, đồng thời phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trên chiến trường Khu 5 trong tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm phá sản “kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Từ Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức, ta hiểu rõ về đối tượng tác chiến, phản ứng của ngụy quân Sài Gòn, đánh giá sâu sắc và cụ thể so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, đặc biệt là khả năng can thiệp quân sự trở lại của đế quốc Mỹ… Đó một trong những cơ sở thực tiễn có ý nghĩa quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Năm mươi năm là một chặng đường rất dài kể từ ngày tôi cùng các anh Hồ Hữu Lạn, Lê Hồng Hải..., cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn  324, Sư đoàn 304 và các lực lượng trên chiến trường vượt qua mưa bom bão đạn tham gia tiến công làm chủ rồi bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức. Thật vinh dự, tự hào là người lính được may mắn tham gia những trận đánh, những chiến dịch đã đi vào lịch sử chiến tranh giải phóng của đất nước ta như một mốc son chói lọi. Và cũng thật xúc động hơn trong cuộc hội thảo khoa học có ý nghĩa này tôi được cùng các đồng chí ôn lại những ngày tháng lịch sử của dân tộc, trong đó có trận đánh Thượng Đức của Trung đoàn 3 Sư đoàn 324. Trong giờ phút trang trọng và đáng ghi nhớ này, chúng ta cùng trân trọng và biết ơn những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đất nước muôn đời biết ơn các anh, lịch sử ghi công các anh và đất mẹ hiền từ, bao dung nơi đâu cũng là quê hương yêu dấu”.

Hội thảo đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần, Tổng cục kỹ thuật, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, các địa phương, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội... Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, công phu, nghiêm túc, luận giải từng vấn đề cụ thể, nhưng đều tập trung làm rõ và khẳng định vị trí, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 với 5 nội dung cơ bản, cốt lõi: Tiếp tục phân tích làm rõ bối cảnh tình hình; âm mưu, thủ đoạn của quân đội Sài Gòn sau khi Hiệp định Paris được ký kết; quá trình hình thành các cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức trong kế hoạch bình định lấn chiếm của địch; Phân tích và làm rõ tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng tạo và nhạy bén của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu, Thường vụ Khu ủy, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức khẳng định bước trưởng thành của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trên chiến trường Khu 5; Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành về nghệ thuật xác định khu vực, mục tiêu, hướng tác chiến; tạo lập thế trận trong bao vây, chia cắt chiến dịch, cô lập từng mục tiêu, nắm và giữ quyền chủ động, thực hiện thắng lợi trận then chốt chiến dịch…; Tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức; đúc rút những kinh nghiệm và bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; phát huy tinh thần chiến thắng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5 “cánh cửa thép” phía tây nam Đà Nẵng bị lực lượng Quân Giải phóng chọc thủng. Cùng với những thắng lợi trên các chiến trường miền Nam nửa cuối năm 1974, Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức là minh chứng sinh động chứng tỏ sức mạnh và khả năng của bộ đội chủ lực trong tiến công địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, giải phóng dân ở vùng giáp ranh; đồng thời đánh giá được phản ứng và khả năng can thiệp quân sự trở lại của Mỹ.

Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức góp phần đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch,. Những bài học kinh nghiệm được rút ra trong Chiến dịch trực tiếp góp phần vào thành công của chiến dịch Tây Nguyên, Đà Nẵng, Huế, đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước.

Hoàng Linh