Đồng chí Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
Ngày 15-9, tại TP. Cần Thơ, Trung ương Hội CCB Việt Nam, khai mạc Tọa đàm “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025” cho Cựu chiến binh 20 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ – Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Đến dự có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cùng hơn 120 đại biểu đại diện Hội CCB 20 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL tham dự. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đến dự.
Khai mạc Tọa đàm, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh cho Cựu chiến binh 20 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ – Đồng bằng Sông Cửu Long” nhằm trao đổi, nghiên cứu, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, vai trò, trách nhiệm của Cựu chiến binh thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Thông qua Tọa đàm, tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên và người dân nông thôn chủ động áp dụng thực hiện chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân.
Là đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Phong trào thi đua “Cần Thơ chung sức xây dựng nông thôn mới” đã phát triển mạnh mẽ và lan tỏa, đã thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực, nhiệt tình của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân. Đến nay, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM; trong đó, 27/36 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu; 100% huyện được công nhận huyện NTM.
Trong khi đó, qua hơn 9 năm xây dựng nông thôn mới, cả 4 huyện là Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long và thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơnhấn mạnh những kết quả nổi bật của thành phố trong XDNTM là vấn đề chuyển đổi số (CĐS) được thành phố xác định là giải pháp then chốt hướng tới xây dựng xã NTM thông minh và được thể hiện trong việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản…
Mới đây, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 113/KH – UBND về việc thực hiện Chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đến năm 2025. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 66% số xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông và 66% số xã đạt tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2025.
“Đồng thời, phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS; ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất” – ông Hồng chia sẻ.
Các đại biểu đã sôi nổi tham gia Tọa đàm, như phát biểu của Hội CCB các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An... và các bài tham luận gửi về Tọa đàm đã làm rõ việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), CĐS đã giúp chương trình xây dựng NTM giành được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế do một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của CĐS nên việc triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ; chi phí đầu tư ban đầu cao; việc ứng dụng CĐS để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số HTX và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế…
Kết luận Tọa đàm Thượng tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh, “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh” cũng là yêu cầu tất yếu khách quan, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, đặc biệt là người nông dân nông thôn.
“Tọa đàm nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa các mô hình điển hình, đồng thời nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh và trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo của Hội Cựu chiến binh các cấp đối với chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, góp phần thống nhất quan điểm, nhận thức, biện pháp hành động của Cựu chiến binh; giúp cho công tác Hội trong việc tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở địa phương hiệu quả hơn” – Thượng tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh.
*** Trước đó, chiều ngày 14/9/2023, các đại biểu Hội CCB Việt Nam, cán bộ lãnh đạo Hội CCB 20 tỉnh khu vực Đông nam bộ – Đồng bằng sông Cửu Long” do Thiếu tướng Trần Đình Hướng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội CCB Việt Nam dẫn đầu đã về tham quan xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thới Hưng (TP. Cần Thơ).
Phương Nghi