Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Báo tháng 9 -Đó là lời của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi nói về chiến dịch Hoàng Hoa Thám - một chiến dịch tiến công của Quân đội ta vào tuyến phòng thủ của quân Pháp trên đường 18 (đoạn từ Phả Lại đến Uông Bí). Chiến dịch diễn ra từ ngày 23-3 đến ngày 7-4-1951. Mặc dù ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.300 quân địch, nhưng đây lại là một chiến dịch chưa thành công bởi không đạt được mục tiêu đề ra và bộ đội bị thương vong lớn (ta hy sinh gần 500 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 1 Trung đoàn trưởng; bị thương hơn 1.500 người).
Mùa Xuân 1951, sau chiến dịch Trung Du, trên cơ sở nhận định địch sẽ tập trung củng cố vùng tạm chiếm, đẩy nhanh kế hoạch phòng tuyến boongke vây quanh khu vực Đồng bằng Bắc bộ, Tổng Quân ủy chủ trương tập trung 4 đại đoàn mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám, lấy đường 18 - một địa bàn xung yếu trên hướng Đông Bắc làm hướng chính, Vĩnh Phúc - Bắc Giang làm hưởng phụ; Hà Nam - Sơn Tây - Hà Đông là hướng phối hợp. BCH Chiến dịch xác định cách đánh của chiến dịch là “đánh điểm - diệt viện” và đặt ra mục tiêu tiêu diệt 5 tiểu đoàn quân địch.
Nửa đêm 23-3-1951, chiến dịch mở màn bằng các cuộc tiến công của Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) vào các vị trí Lọc Nước, Đập Nước, Suối Trâu; và của Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) vào cứ điểm Lán Tháp. Trong khi đó các Trung đoàn 102 và 36 dàn quân dọc tuyến đường sắt từ Vàng Danh ra Uông Bí. Đại đoàn 312 đón lõng địch từ hướng Đông Triều lên. Trung đoàn 98 tiến công một số tháp canh, phá cầu ở Biểu Nghi nhằm quấy rối địch. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, 3 ngày ròng rã trôi qua mà viện binh địch vẫn “án binh bất động”, không xuất hiện như ta dự kiến. Trước tình hình đó, BCH chiến dịch quyết định tiếp tục tiến công các cứ điểm lớn hơn trên trục đường 18 và xung quanh Uông Bí.
Đêm 27-3, tất cả các đơn vị đồng loạt nổ súng. Chỉ sau gần 1 giờ, đồn Bí Chợ bị tiêu diệt, quân địch bỏ chạy khỏi nhiều tháp canh. BCH chiến dịch quyết định đánh thẳng vào thị trấn Uông Bí nhưng chưa kịp hành động thì ngay chiều 28-3 quân địch bất ngờ rút khỏi Uông Bí chạy về Quảng Yên. Lúc này vẫn chưa thấy bóng dáng quân viện của địch xuất hiện. BCH chiến dịch quyết định tung lực lượng tiêu diệt tiếp cứ điểm Mạo Khê.
Trong thời gian ta tiến công Uông Bí, viên Tổng chỉ huy Đờ Lát không có mặt ở Đông Dương. Ngày 29-3, Đờ Lát trở lại Hà Nội đúng lúc ta đang chuẩn bị nổ súng tiêu diệt 2 tiền đồn quan trọng của quân Pháp là Mạo Khê Phố và Mạo Khê Mỏ. Nắm được thông thông tin này, Đờ Lát đã “tung” Tiểu đoàn dù số 6 (6e BPC) tăng cường cho cứ điểm Mạo Khê Phố. Do tình hình ở Mạo Khê Phố đã thay đổi nên BCH chiến dịch quyết định ngừng cuộc tiến công, nhưng không kịp. Các trung đoàn đều đã nổ súng. Sau khoảng 30 phút quần nhau với địch, biết không thể tiêu diệt hoàn toàn các cứ điểm này, các trung đoàn đều rút lui trước khi trời sáng.
Nhận thấy các cứ điểm của địch trên đường 18 đều đã được tăng cường, trong khi các binh đoàn cơ động của địch vẫn “án binh bất động” cố thủ trong các cứ điểm mặc dù tuyến đường 18 bị uy hiếp nặng, BCH chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1.
Sau khi tạm khắc phục những khó khăn về công tác tiếp tế hậu cần, đêm 4-4 bộ đội đồng loạt nổ súng bước vào đợt 2 của chiến dịch trên hướng Phả Lại và Đông Triều... Tuy nhiên, cả 4 trận đánh trong đợt 2 đều không thành công, trong đó đáng chú ý là trận Hoàng Gián và trận Hà Chiểu, thương vong nhiều, bộ đội lại mệt mỏi, nên BCH quyết định kết thúc chiến dịch.
Có thể nói trong chiến dịch này, Bộ đội đã không hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch, chỉ tiêu diệt được khoảng 2 tiểu đoàn địch (mục tiêu đặt ra là 5), trong khi tỷ lệ thương vong ta - địch lại cao (1/1, thậm chí có tài liệu là 1/1.7).
Khác với các chiến dịch trước đó, trong chiến dịch này, viện binh địch đã không xuất hiện, do đó bộ đội đã không thực hiện được được phương châm “đánh điểm, diệt viện”, mà chủ yếu là công đồn. Bộ đội thương vong nhiều chủ yếu do bom, pháo của địch.
Trước khi chiến dịch này diễn ra, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp rằng: “Đánh nhau thế nào cũng có trận thắng, trận không. Mình khôn nhưng phải nghĩ địch nó cũng khôn. Địch đã rút được kinh nghiệm trước đó nên lần này sẽ không bị mắc lừa. Có tiếp tục đánh điểm diệt viện thì cũng phải biến hóa”.
Chiến dịch Hoàng Hoa Thám không thành công trước hết là do ta đánh giá địch chưa đúng nên kế hoạch đề ra còn giản đơn, thiếu thận trọng. Trong chỉ huy đã không thấy rõ những đặc điểm mới của chiến trường này nên trong tổ chức công kiên cũng như trong vận động đã “bê nguyên xi” những kinh nghiệm từ các chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Trung Du “áp” vào chiến trưởng đồng bằng.
Trong những khuyết điểm dẫn đến chiến dịch Hoàng Hoa Thám không thành công có một phần trách nhiệm của cơ quan chiến lược. Quyết định mở chiến dịch trong hoàn cảnh chưa nghiên cứu kỹ về địa hình tác chiến. Mục đích chiến dịch xác định chưa rõ ràng: Tiêu diệt sinh lực địch hay là thay đổi cục diện chiến trường? Việc chọn hướng để mở chiến dịch cũng không phù hợp. Rõ ràng là “Đầu chưa xuôi thì đuôi không lọt”.
Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Hoàng Hoa Thám diễn ra sau đó ít ngày, Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn sau khi thẳng thẳn nhận trách nhiệm về mình đã nói rõ thêm rằng “Mục đích chiến dịch không rõ, không kiên quyết; chọn hướng mở chiến dịch không đúng thì chiến thuật không thể hoàn thành được nhiệm vụ”.
Dẫu là một chiến dịch được coi là không thành công, nhưng chiến dịch Hoàng Hoa Thám đã cho thấy tinh thần chiến đấu cực kỳ dũng cảm của bộ đội, đặc biệt là cho thấy sự trưởng thành vượt bậc về bản lĩnh cũng như trình độ chiến đấu của họ. Đòn tiến công này cũng đã tạo ra một cú sốc cho BCH quân Pháp, mà nói như viên Tổng chỉ huy Đờ Lát thì nó đã làm cho y “bắt đầu thấy lo lắng, nhận ra khó khăn cực độ trong nhiệm vụ mà mình thực hiện ở Việt Nam” .
PGS.TS Trần Ngọc Long