Đứa cháu “nghịch tôn” và bản di chúc rởm…
Năm 1970 ông Hoàng Văn Hoa vào bộ đội, thuộc biên chế Đoàn 559, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Năm 1977, ông xuất ngũ về tại địa phương, lấy vợ là bà Kim Thị Ánh. Vợ chồng ông làm nhà ở trên diện tích 466m2, tại thửa số 48, tờ bản đồ số 1 (địa chỉ Đội 9, thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, TP. Hà Nội). Đây là đất giãn dân, ông Hoa được UBND xã Ngọc Hồi cấp, còn trước đó diện tích này là đất 5% xã cấp cho gia đình bố mẹ ông là cụ Hoàng Văn Hòa và Nguyễn Thị Tý để làm ruộng. Sau nhiều lần xã chia lại đất, tại thửa số 48, tờ bản đồ số 1 hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của ông, không còn liên quan gì đến đất cấp cho bố mẹ ông.
Tại diện tích đất được cấp, ông Hoa đã làm nhà kiên cố, làm vườn trồng cây ăn quả. Việc sử dụng đất liên tục từ năm 1977 đến 1994, không có tranh chấp với bất kỳ ai. Gia đình đã hoàn thành mọi nghĩa vụ với Nhà nước tại diện tích đất được cấp.
Cụ Hoàng Văn Hòa (bố ông Hoa) cũng là bộ đội, công tác tại Trung đoàn 48 Thủ đô. Trong chiến đấu, ông bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man tại bốt Đông Trạch (thuộc thôn Đông Mỹ, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì). Hậu quả làm cụ phát điên. Năm 1954, sau khi được thả, cụ suốt ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm. Trước khi bị địch bắt và bị đánh phát điên, cụ Hòa đã lấy vợ là cụ bà Nguyễn Thị Tý. Lúc này cụ Tý đã có 3 người con riêng với người chồng trước, gồm bà Nguyễn Thị Si, ông Hoàng Văn An và bà Hoàng Thị Huệ. Trong đó, bà Nguyễn Thị Si sinh được 5 người con gồm bà Hoàng Thị Liền, Hoàng Thị Chai, Hoàng Thị Nghĩa, Hoàng Văn Sang và Hoàng Văn Sáng.
Sau khi lấy nhau, vợ chồng cụ Hòa sinh được tiếp 3 người con chung là bà Hoàng Thị Huê, ông Hoàng Văn Trung và ông Hoàng Văn Hoa. Như vậy về “vai vế” trong họ tộc, các con của bà Nguyễn Thị Si phải gọi cụ Hòa là ông ngoại (dượng), gọi ông Hoa là cậu (vì là em cùng mẹ khác cha với bà Si là mẹ đẻ của họ).
Trở lại việc sử dụng đất của gia đình ông Hoa. Khi gia đình ông Hoa đang sinh sống yên ổn trên diện tích đất được xã cấp, đột nhiên vào ngày 1-3-1995, Hoàng Văn Sáng (sinh 1967, là con trai út của bà Si) huy động lực lượng ào ào kéo đến chặt phá cây cối, hoa màu trong vườn nhà ông Hoa. Quá kinh ngạc về hành động ngang ngược của đứa cháu, ông Hoa chạy lên UBND xã Ngọc Hồi trình báo, thì mới ngớ người ra vì Sáng đã giao nộp cho xã một tờ “di chúc” viết tay đề ngày 2-6-1994, có chữ ký tên “Hòa” và “Tý” từ bao giờ. Theo bản “di chúc” này thì cụ Hòa và cụ Tý chia cho Sáng được thừa kế 6 miếng đất bằng 252m2, nằm trong diện tích 466m2 ông Hoa đã được cấp và sử dụng từ năm 1977. Tại bản “di chúc” còn có chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Trung Úy-nguyên Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi. Kể từ đây bắt đầu hành trình chống gậy đi “gõ cửa quan” của ông Hoàng Văn Hoa-người CCB Trường Sơn năm nào.

Các quyết định giải quyết “đá” nhau!
Để giải quyết tranh chấp giữa các bên về quyền sử dụng đất, UBND xã Ngọc Hồi đã ra Quyết định số 11/QĐ-UB ngày 23-2-1996 không công nhận ông Hoa được sử dụng toàn bộ diện tích 466m2 đất nói trên, đồng thời xác định đây là tranh chấp giữa ông Hoa và ông Hòa (bố đẻ) chứ không phải là với Hoàng Văn Sáng.
Được xã “chống lưng”, trong 2 ngày 28 và 29-1-2002, Hoàng Văn Sáng tiếp tục cho người ngang ngược xây bức tường gạch chia đôi đất của ông Hoa.
Quá bức xúc, gia đình ông Hoa đã có đơn khiếu nại lên huyện. Thanh tra huyện Thanh Trì đã về xác minh, ban hành Kết luận thanh tra số 07/KL-TTr ngày 31-3-2003 với các nội dung: Xác định việc sử dụng diện tích đất 466m2 đất của vợ chồng ông Hoa là hợp pháp; hành vi của Hoàng Văn Sáng dựa vào bản di chúc nói trên để chiếm đoạt đất đai, phá hoại hoa màu của ông Hoa là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý; xác định cụ Hòa và vợ không phải là người được cấp diện tích 466m2 đất, nên không có quyền chia thừa kế diện tích đất này. Thanh tra huyện cũng đã phát hiện hàng loạt sai phạm của UBND xã Ngọc Hồi, cụ thể xác định việc ban hành Quyết định số 11/QĐ-UB ngày 23-2-1996 giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất là vi phạm thẩm quyền, trái Luật Đất đai, không phù hợp với hồ sơ địa chính và thực tế việc sử dụng đất; việc ông Nguyễn Trung Úy (nguyên Phó chủ tịch xã Ngọc Hồi) ký xác nhận vào di chúc, việc cán bộ địa chính tự ý điền tên ông Sang (anh trai Sáng) vào hồ sơ đất đã cấp cho ông Hoa... là việc làm tùy tiện, vô nguyên tắc.
Đối với nguồn gốc bản “di chúc” làm căn cứ để Sáng cướp đất của ông Hoa, Thanh tra đã làm rõ người viết bản “di chúc” này chính là Sáng. Theo lời khai của bà Huê (con chung của cụ Hòa-Tý) thì chính Sáng đã tự viết bản “di chúc” này và cầm tay cụ Hòa và cụ Tý viết ra 2 chữ “Hòa”, “Tý” ở cuối “di chúc”. Việc ông Úy ký xác nhận vào “di chúc” là do có người “nhờ” ông, chứ bản thân các cụ Hòa, Tý không lập “di chúc” trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Căn cứ kết luận Thanh tra, UBND huyện Thanh Trì đã ra Quyết định số 1462 ngày 21-10-2003 công nhận ông Hoa có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích 466m2 đất đã cấp. Xác định hành vi phá hoại hoa màu, chiếm đoạt đất đai của Hoàng Văn Sáng là hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu chính quyền địa phương tập hợp tài liệu về sai phạm của Sáng, chuyển cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Trì xử lý theo quy định. Đồng thời quyết định trên bãi bỏ Quyết định số 11/QĐ-UB, ngày 23-2-1996 của UBND xã Ngọc Hồi. Cũng tại quyết định này, UBND huyện đã giao cho UBND xã Ngọc Hồi tổ chức dỡ bỏ toàn bộ công trình của Hoàng Văn Sáng đã xây dựng trái phép trên đất của ông Hoa.
Một quyết định thấu lý, đạt tình, tưởng chừng sẽ được nghiêm túc thực thi, vậy mà mọi chuyện vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chính quyền xã không có bất kỳ động thái nào thực hiện lệnh trên. Bản thân Sáng có đơn khiếu nại lên UBND TP. Hà Nội. Không rõ các “quan” thanh tra khi đó đã “tác nghiệp” kiểu gì mà công nhận bản “di chúc” Sáng tự tay lập ra là có căn cứ, để tham mưu UBND TP. Hà Nội ra Quyết định 4299/QĐ-UB ngày 12-7-2004. Theo đó, phân chia thửa đất tranh chấp theo thực tế sử dụng, Hoàng Văn Sáng được sử dụng 252m2 đất tại diện tích 466m2 đã cấp cho gia đình ông Hoa. Quyết định nêu rõ đây là giải quyết cuối cùng của UBND TP.Hà Nội.

“Trên bảo dưới không nghe”…
Quá bàng hoàng trước quyết định của UBND TP. Hà Nội, ông Hoàng Văn Hoa đã khiếu nại vượt cấp lên Chính phủ. Tại công văn số 1625 ngày 28-3-2007, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã giao Bộ TNMT trực tiếp kiểm tra làm rõ nội dung khiếu nại của ông Hoa. Tại Báo cáo số 184 ngày 31-10-2007 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT đã xác định Thanh tra TP. Hà Nội đã có nhiều sai sót trong quá trình xác minh sự việc. Việc đơn vị này dựa vào tờ “di chúc” của Hoàng Văn Sáng để tham mưu cho UBND TP Hà Nội giải quyết đơn khiếu nại theo hướng có lợi cho Sáng là sai thẩm quyền, vi phạm Điều 136, Luật Đất đai 2003. Bộ TNMT đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội giải quyết sự việc theo hướng công nhận quyền sử dụng đối với 466m2 của gia đình ông Hoa, giải quyết chỗ ở cho ông Sáng sang diện tích đất khác. Kiểm điểm làm rõ sai phạm của các cán bộ xã Ngọc Hồi.
Tại Công văn số 150/VPCP-V.II ngày 8-1-2008, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, yêu cầu UBND TP. Hà Nội giải quyết sự việc theo hướng kiến nghị của Bộ TNMT. Tuy nhiên, ngay cả ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cũng không được chấp hành nghiêm túc. “Quả bóng trách nhiệm” tiếp tục được các cơ quan địa phương “chuyền, ban” cho nhau, trong sự mệt mỏi, ngơ ngác của gia đình ông Hoa.
Đơn vị được UBND TP. Hà Nội giao đứng ra chủ trì xem xét lại sự việc là Thanh tra TP. Hà Nội, nhưng cơ quan này đã không làm gì, ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Chính phủ và bộ chủ quản đã bị “phớt lờ”, tính đến nay đã tròn 7 năm.
Ngày 25-9-2014, UBND TP. Hà Nội có Báo cáo số 173/BC-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Hoa. Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ TNMT cho ý kiến nhận xét về văn bản này. Tại Báo cáo số 5031/BTNMT-TTr ngày 14-11-2014, bộ đã chỉ ra và phân tích hàng loạt những sai sót trong Báo cáo số 173/BC-UBND của UBND TP. Hà Nội, như về quá trình sử dụng đất, về đăng ký kê khai quyền sử dụng đất theo Chỉ thị 299/TTg, về tính hợp pháp của tờ “di chúc”, về thời điểm xảy ra tranh chấp… Chẳng hạn, căn cứ Biên bản làm việc ngày 29-4-1996 giữa Thanh tra huyện Thanh Trì, UBND xã Ngọc Hồi và gia đình ông Hoa đã xác định cụ Hoàng Văn Hòa là người bị tâm thần trước năm 1954, Bộ TNMT xác định ông Hòa không có đủ năng lực hành vi để xác lập “di chúc”. Mặt khác, trong sổ địa chính năm 1994 không có tên vợ chồng cụ Hoàng Văn Hòa sử dụng 466m2 đất, nên việc UBND TP. Hà Nội dựa vào bản “di chúc” này để chia đất của ông Hoa cho Sáng là không đúng. Sau khi phân tích những vấn đề sai sót trong Báo cáo số 173, Bộ TNMT giữ nguyên nội dung giải quyết tại Báo cáo số 184 ngày 31-10-2007 gửi Thủ tướng Chính phủ…
Thiết nghĩ, với những gì Bộ TNMT chỉ ra, UBND TP. Hà Nội cần sớm khắc phục những khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong các quyết định giải quyết của mình để trả lại nguyên trạng đất cho gia đình CCB Hoàng Văn Hoa.
Chính Nhi