Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trao giải cho 5 đơn vị đoạt giải Tập thể Xuất sắc.
Ngày 4-5, tại Hà Nội, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phối hợp với Báo Cựu chiến binh Việt Nam và Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi “Hào khí Trường Sơn”, hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019). Tới dự chương trình có các đồng chí: Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Tư lệnh Binh đoàn 12; Ông Trần Trung Dũng – Tổng Giám đốc Tập Đoàn Thái Bình Dương; Đại tá Nguyễn Duy Tường - Tổng Biên tập báo CCB Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi. Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của đại diện 5 Tập thể và 44 tác giả đã đoạt giải cuộc thi.
Cuộc thi được phát động từ ngày 22-3-2018 và kết thúc vào ngày 31-3-2019 với hai chủ đề chính: “Trường Sơn những năm tháng hào hùng” - Viết về những tấm gương chịu đựng bom đạn ác liệt, hy sinh; khắc phục khó khăn gian khổ, phục vụ chiến đấu và chiến đấu ngoan cường, tài trí của các lực lượng trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; “Tỏa sáng Trường Sơn”: Viết về những tấm gương CCB, cựu thanh niên xung phong (TNXP)… Trường Sơn biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh giải phóng thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và những tấm gương chiến sĩ Trường Sơn bình dị mà cao quý, tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường.
Ngay sau khi Ban Tổ chức phát động cuộc thi, thông qua các ấn phẩm của Báo CCB Việt Nam; Trang thông tin “Trường Sơn” của Hội Truyền thống Trường Sơn và các cơ quan truyền thông khác, nội dung, thể lệ cuộc thi đã nhanh chóng được chuyển tải đến các đối tượng, đặc biệt là các hội viên Trường Sơn, những CCB Trường Sơn trong cả nước. Đồng thời, các cấp Hội Truyền thống Trường Sơn đã phổ biến, quán triệt, nội dung, thể lệ cuộc thi và động viên các hội viên tích cực tham gia.
Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được 1.168 bài dự thi trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó, bài gửi dự thi sớm nhất của nhà báo Kiều Bình Định – Phóng viên thường trú Báo Quân đội nhân dân tại Đắc Lắc, gửi ngày 26 - 3 - 2018); bài gửi muộn nhất của tác giả Nguyễn Xuân Hòa (Nghệ An) gửi ngày 31-3-2019 và điều đặc biệt là cả hai bài kể trên đều đoạt giải. Tác giả dự thi cao tuổi nhất là Đại tá Nguyễn Ngọc Toản (Hà Nội, 90 tuổi); tác giả ít tuổi nhất là Vũ Trà My (T.P Hồ Chí Minh, 20 tuổi); các tác giả gửi nhiều bài dự thi như: Hà Phi Hải, Anh Thư, Bùi Hòa Bình, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Xuân Bách, Vũ Hồng Thái, Vương Văn Kiểm, Trần Lê, Bùi Đức Ba…; Hội Truyền thống các tỉnh - thành có nhiều bài dự thi như: Hải Phòng, Nghệ An, Yên Bái, Thái Bình, Ban Liên lạc Đoàn Phòng không xung kích 241 và rất nhiều sĩ quan cao cấp quân đội tham gia dự thi.
Các bài dự thi đã bám sát hai chủ đề của cuộc thi. Từ nhiều góc độ, các bài dự thi phản ánh được những tấm gương tiêu biểu của bộ đội, TNXP… Trường Sơn trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn từ 1959 đến 1975 và những gương tiêu biểu của bộ đội Trường Sơn, CCB, cựu TNXP Trường Sơn sau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, không cam chịu đói nghèo, năng động, sáng tạo trong sản xuất làm kinh tế. Nhiều gương anh hùng Trường Sơn được các tác giả phản ánh, tiêu biểu là Anh hùng LLVTND Phan Văn Quý, Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh, Nguyễn Thị Vân Liệu và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Đăng Giáp… Đồng thời, những tấm gương bình dị, cao quý, như thương binh Hà Quý Phiến (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh), cựu TNXP Trịnh Thị Tuyết (Định Tường, Yên Định, Thanh Hóa), hay chị Chung, chị Thanh… đã được các tác giả khắc họa với sự nể trọng chân thành.
Cuộc thi đã tạo được giá trị đích thực khi đa số các tác giả dự thi là các CCB, cựu TNXP… Trường Sơn, viết về những năm tháng sống và chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bản thân và đồng chí, đồng đội của mình. Đây cũng là mong muốn của Ban Tổ chức và nhờ đó đã tạo nên điểm nhấn, điểm khác biệt của cuộc thi.
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng tặng 5 đơn vị là những Hội Truyền thống Trường Sơn có nhiều bài dự thi và trao giải thưởng tặng 44 tác phẩm gồm 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba và 30 giải Tư. Tổng giá trị giải thưởng 300 triệu đồng. Và tặng quà vinh danh các nhân vật của các tác phẩm đoạt giải.
Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khẳng định: Với các chiến sĩ Trường Sơn thì Trường Sơn không chỉ là ký ức mà ở mỗi con người họ đang “cất giấu” những câu chuyện, những trận đánh, những chiến công, những khoảng khắc anh hùng… mà chưa một lần được kể, được biết. Nhiều người trong số họ là những anh hùng thầm lặng của ngày hôm qua… Hôm nay, khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều chiến sĩ Trường Sơn đã tiếp tục bước vào trận chiến mới: Xây dựng cuộc sống mới. Nhiều người trong số họ tiếp tục phát huy phẩm chất của người lính Trường Sơn trong cuộc sống hôm nay. Họ trở thành những điển hình mới trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, kinh tế, trên mặt trận xây dựng và phát triển Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam… Những con người ấy, họ là một phần của Trường Sơn hôm qua và Trường Sơn của ngày hôm nay. Phát hiện, khám phá để viết về họ là việc làm cần thiết và đầy ý nghĩa. Cuộc thi “Hào khí Trường Sơn” đã góp phần vào việc làm ý nghĩa đó.
Để ghi nhận sự phối hợp hiệu quả của Báo CCB Việt Nam và Tập đoàn Thái Bình Dương đối với cuộc thi “Hào khí Trường Sơn”, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã quyết định tặng Bằng khen cho Báo CCB Việt Nam và Tập đoàn Thái Bình Dương.
Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn” mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, tuyên truyền - giáo dục lịch sử truyền thống; vinh danh, tri ân những chiến sĩ Trường Sơn đã làm nên đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Giải thưởng cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”
Giải tập thể: 5 giải
1. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh TP. Hải Phòng.
2. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An.
3. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái.
4. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình.
5. Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu Đoàn phòng không xung kích 241.
Giải cá nhân: 44 giải.
Giải Nhất: 2 giải.
1. Tác giả: Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu. Tác phẩm: “Người Anh hùng chưa được vinh danh”. 2. Tác giả: Phạm Thùy Nhung. Tác phẩm: “Người chiến sĩ ấy”.
Giải Nhì: 4 giải
1. Tác giả: Nguyễn Mỹ Hạnh. Tác phẩm: “Chiến mã Trường Sơn rạng danh anh hùng”
2. Tác giả: Trương Nguyên Tuệ. “Xoi đường mở hành lang chiến lược Nam Trường Sơn – Đông Nam Bộ”.
3. Tác giả: Văn Học. Tác phẩm: “Trường Sơn – Tranh ký họa và tinh thần người lính”.
4. Tác giả: Bùi Minh Tuệ. Tác phẩm: “Người chiến sĩ lái xe Trường Sơn và mô hình “khoán chui” vận tải những năm đổi mới”.
Giải Ba cho cả 2 chủ đề:
1. Tác giả Phạm Hồng Loan. Tác phẩm: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
2. Tác giả: Phạm Quang Đẩu. Tác phẩm: “Trở lại ngầm bạc”.
3. Tác giả: Hồng Linh. Tác phẩm: “Hạt gạo dưới đáy ba lô”.
4. Tác giả: Nguyễn Xuân Bách. Tác phẩm: “Tâm nguyện của người nữa Anh hùng đã thành hiện thực”.
5. Tác giả: Đặng Sĩ Ngọc. Tác phẩm: “Bác sĩ Trường Sơn vẫn hiện hữu quanh ta”. 6. Tác giả: Vũ Viết Ngà. Tác phẩm: “Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình thời mở cửa”.
7. Tác giả: Kiều Bình Định. Tác phẩm: “Người Anh hùng nặng tình đồng đội”.
8. Tác giả: Hà Đỗ Tú. Tác phẩm: “Trần Đỗ Liêm – cánh chim đầu đàn của C442,N44, Binh trạm 16, Thanh niên xung phong Thái Bình”.
Giải Tư: 30 giải
1. Tác giả Trần Hoàng Tiến. Tác phẩm: “Nước mắt và dấu chân của tướng Võ Sở”.
2. Tác giả: Hoàng Văn Kính. Tác phẩm: “Sự tính con dao tông khắc chữ C3TP đang lưu giữu tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam”.
3. Tác giả Phạm Sinh. Tác phẩm: “Lê Hồng Huân – người từng đạt kỷ lục tám lần vượt cua chữ A một đêm”.
4. Tác giả: Anh Thư. Tác phẩm: “Lần đầu gặp bom từ trường”.
5. Tác giả: Bùi Hòa Bình. Tác phẩm: “Nghị lực và nghĩa tình đồng đội của Lê Thành Đồng”.
6. Tác giả: Lê Vĩnh Lạc. Tác phẩm: “Trận bom nhớ đời”.
7. Tác giả: Đỗ Văn Phú. Tác phẩm: “Trường Sơn trong trái tim tôi”.
8. Tác giả: Đinh Công Ty. Tác phẩm: “Kỷ niệm chuyến xe vượt trọng điểm A-T-P”.
9. Tác giả: Bùi Đức Ba. Tác phẩm: “Ngồi trên bom tấn”.
10. Tác giả: Hoàng Thanh Lương. Tác phẩm: “Tiểu đoàn vận tại thủy 166 với đất và người Gio Mai”.
11. Tác giả: Trương Văn Nhi. Tác phẩm: “Tôi được kết nạp Đảng”.
12. Tác giả: Nguyễn Ngọc Bào. Tác phẩm: “Ra quân đánh thắng trận đầu”.
13. Tác giả: Vũ Hồng Thái. Tác phẩm: “Đêm ấy ở Trường Sơn”.
14. Tác giả: Tạ Thị Hoán. Tác phẩm: “Chuyện của Tiểu đội cảm tử trên cua Chữ A, đường 20 Quyết Thắng”.
15. Tác giả: Nguyễn Xuân Hòa. Tác phẩm: “Người lính Đoàn 559 – Trong tôi luôn có hai bà mẹ”.
16. Tác giả Vũ Minh Phúc. Tác phẩm: “Đôi chân thép bên bờ sông Đuống”.
17. Tác giả: Phạm Xuân Phú. Tác phẩm: “Một chiến sí Trường Sơn – cánh chim đầu đàn của phong trào học tập và làm theo Tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh”.
18. Tác giả: Đỗ Quang Bảy. Tác phẩm: “Có một tập thể nữ chiến sĩ Trường Sơn”.
19. Tác giả: Võ Năng Nhẫn. Tác phẩm: “Giỏi giang Hội truyền thống Trường Sơn xã Quỳnh Hoa”.
20. Tác giả: Nguyễn Văn Bổng. Tác phẩm: “Thời gian không còn nhiều”.
21. Tác giả: Nguyễn Đại Duẫn. Tác phẩm: “Một gia đình hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi có lòng hảo tâm”.
22. Tác giả: Lê Ba. Tác phẩm: “Người vợ chiến sĩ Trường Sơn vượt lên chính mình tỏa sáng”.
23. Tác giả: Nguyễn Văn Á. Tác phẩm: “Bà Chung nhân ái”.
24. Tác giả: Nguyễn Bá Thuyết. Tác phẩm: “Nữ chiến sĩ Trường Sơn – ký ức bi hùng và tấm lòng thiện nguyện”.
25. Tác giả: Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm: “Chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy bây giờ”.
26. Tác giả: Võ Giáp. Tác phẩm: “Chị cả”.
27. Tác giả: Vương Văn Kiểm. Tác phẩm: “Chị Thanh Trường Sơn - Ấm tình đồng đội”.
28. Tác giả: Trần Lê. Tác phẩm: “Kính Chúa yêu nước”.
29. Tác giả: Lê Trung Khiên. Tác phẩm: “Nghị lực vượt khó của nữ Thanh niên xung phong”.
30. Tác giả: Nguyễn Quang Chính. Tác phẩm: “Hương rừng Việt Tiến”.
Vũ Minh