Để phòng sốt xuất huyết cần loại bỏ các vật dụng phế thải, không còn chỗ để muỗi vằn sinh sôi nảy nở.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 10-6, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1.027 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 6,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày, có từ 40-50 trường hợp mắc bệnh SXH. Bệnh SXH đã xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu tại T.P Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, huyện Krông Ana, Krông Búc, Krông Năng... Mặc dù mới bước vào đầu mùa mưa nhưng lượng bệnh nhân nhập viện điều trị đã bằng lượng bệnh nhân của cả năm 2018, dự báo bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Mặc dù thời gian vừa qua Ngành Y tế tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH nhưng vẫn gặp một số khó khăn, trở ngại. Khó khăn nhất hiện nay là nhận thức của người dân về phòng, chống SXH chưa cao, thậm chí nhiều người còn chủ quan, coi đây là công việc của ngành y tế. Vì vậy, khi ngành y tế cử cán bộ xuống tận nhà dân để thực hiện công tác diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng nhiều hộ dân không phối hợp.

Tại nhiều địa phương, người dân chỉ quan tâm đến việc phun thuốc diệt muỗi mà chưa chú tâm vào hoạt động loại trừ nơi sinh sản của muỗi. Trong khi đó, môi trường sống của nhiều hộ dân vẫn còn quá nhiều vật dụng phế thải, vỏ lốp xe, gáo dừa, chai lọ, túi ni lông vứt bừa bãi ứ đọng nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là giải pháp tạm thời vì nó chỉ tiêu diệt được muỗi chứ không diệt được con lăng quăng. Thực tế là buổi sáng ngành y tế đi phun thuốc thì buổi chiều lăng quăng đã nở thành muỗi rồi. Do đó, muốn hạn chế nguồn lây bệnh thì cần phải diệt lăng quăng bằng cách tìm và xử lý các vật dụng chứa nước, ngăn không cho muỗi đẻ trứng. Việc này chỉ có người dân mới có thể làm được chứ không có cơ quan chức năng nào có thể làm thay. Một khó khăn nữa là sự phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh SXH giữa đơn vị chức năng với chính quyền các cấp nhiều nơi chưa được chặt chẽ, vẫn còn hạn chế...

Để chủ động phòng, chống bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk đề nghị: Mỗi người dân cần nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng tránh như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thay rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước bình hoa, chén nước kê chân tủ đựng thức ăn ba ngày một lần; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Người dân cần chủ động ngủ màn, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi trong gia đình có người xuất hiện các dấu hiệu của bệnh SXH thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị đúng phác đồ, không tự ý điều trị tại nhà.

Thành An