Lựu pháo 105mm nhả đạn pháo kích Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Kéo pháo vào

Cuộc kéo pháo bằng tay bắt đầu từ tối 15-1-1954, sau khi chỉ không đầy một ngày đêm, bằng quyết tâm và sức lao động phi thường, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ công binh và bộ binh ta đã hoàn thành một con đường rộng 3,5m, dài gần 15km, bắt đầu từ bàn Nà Nhạn bên đường 41, xuyên rừng rậm, vượt qua đỉnh Pu Pha Sông, đổ xuống vực Nậm Kho Hu, lại vươn lên bắc bản Tấu trên đường Điện Biên - Lai Châu. Chủ trương kéo pháo bằng tay nằm trong kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch (bộ phận đi trước), theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Trần Đình (mật danh Điện Biên Phủ) trong 3 đêm, 2 ngày.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Chỉ huy trưởng Chiến dịch đi sau, lên đường từ Việt Bắc ngày 5 đến 12-1-1954 mới tới Sở chỉ huy lâm thời ở hang Thẩm Púa. Sau khi nghe Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái báo cáo kế hoạch. Đại tướng cảm thấy vô cùng phân vân, vì nó hoàn toàn khác với suy tính của Đại tướng trước đó. Trong bản báo cáo ngày 6-12-1953 gửi Bộ Chính trị, Đại tướng ước tính thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ phải mất khoảng 45 ngày, chưa kể thời gian tập trung bộ đội và thời gian làm công tác chuẩn bị. Nhưng vì vừa mới đến, chưa đủ yếu tố để bác bỏ phương án của bộ phận đi trước, của tập thể Đảng ủy Mặt trận và sự tham gia của Đoàn cố vấn Trung quốc, nên Đại tướng chấp thuận kế hoạch “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Tất cả các đơn vị, từ cán bộ đến chiến sĩ đều quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để nhanh chóng đưa pháo vào trận địa. Nhưng cho đến đêm thứ 10, thay vì 3 đêm theo kế hoạch, chỉ có hai đại đội lựu pháo 105 ly và hai đại đội cao pháo 37 ly, tức 1/3 lực lượng vào đến nơi, 16 khẩu pháo còn lại, gồm 8 khẩu 37 ly và 8 khẩu 105 ly vẫn còn đang nằm rải rác trên đường kéo pháo. Trận địa hai đại đội pháo cao xạ chúng tôi (815 và 816) nằm giữa cánh đồng bản Tấu - Nà Hi, với 8 khẩu pháo 37 ly, được ngụy trang bằng rơm rạ trong những công sự lộ thiên đào đắp sơ sài. Chiều hôm ấy, 25-1-1954, toàn Mặt trận sẵn sàng chờ lệnh nổ súng...

Kéo pháo ra

Trưa ngày 26-1-1954, tại Sở chỉ huy Tiểu đoàn pháo cao xạ 383. Tôi đang làm nhiệm vụ trực ban (hồi ấy tôi là sĩ quan tham mưu tiểu đoàn), bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Nhấc máy, tôi nghe giọng nói quen thuộc của anh Bích - Trung đoàn phó, Trung đoàn pháo cao xạ 367, phụ trách chỉ huy lực lượng tiền phương trung đoàn.

- A lô! Tôi Thành đây! Cho tôi gặp đồng chí Bích (Thành là bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thái).

- Báo cáo anh Thành, tôi Bích đây ạ!

- Anh Bích chú ý! Có lệnh hoãn cuộc tiến công. Cho kéo pháo về vị trí cũ. Lệnh này phải được chấp hành như một mệnh lệnh chiến đấu.

Như có luồng điện chạy qua người, tôi cảm thấy bàng hoàng tột độ. Nín thở, tôi áp chặt ống nghe vào tai và cảm thấy anh Bích hình như cũng lặng người đi trong giây lát.

- Thế còn tư tưởng bộ đội thì sao?

- Trước hết hãy chấp hành nghiêm mệnh lệnh kéo pháo ra. Mọi thắc mắc giải đáp sau.

- Rõ.

Tin đột ngột ấy được truyền nhanh xuống tận chiến sĩ, gây nên một cú choáng trong đơn vị chúng tôi. Nhiều anh em yên lặng, thẫn thờ. Cũng có người bộc trực nói thẳng: “Biết bao gian khổ mới đưa pháo được đến đây. Thế mà bây giờ lại không đánh nữa, kéo pháo ra”... Kéo pháo ra gian nan gấp bội phần. Những giàn lá ngụy trang đã úa vàng từng mảng, đường kéo pháo ra cũng bị lộ từng phần. Máy bay trinh sát của địch suốt ngày lượn vòng soi mói, chỉ điểm cho pháo bắn vào những nơi chúng nghi ngờ. Trụ tời lung lay. Dây thừng sau nhiều ngày đêm chịu đựng đã bị sờn ải. Bộ đội mệt mỏi và đói lạ lùng. Tuy nhiên, các bí thư chi bộ họp ngay chi bộ Đảng bàn cách lãnh đạo, sau đó phổ biến cấp tốc cho cán bộ, chiến sĩ. Lòng tin tuyệt đối vào cấp trên, kỷ luật tự giác của quân dội cách mạng đã thắng. Tất cả mọi vướng mắc đều dẹp sang một bên. Đơn vị triển khai ngày công tác chuẩn bị: Củng cố trụ tời, vào rừng kiếm dây mây, dây song thay dây thừng, sửa lại đường kéo pháo, thay mới những giàn ngụy trang. Tất cả 48 khẩu pháo nhất loạt quay đầu. Thứ tự, đơn vị nào vào sau thì ra trước, đơn vị vào trước thì ra sau. “Cốc”, “cốc” tiếng mõ thay cho tiếng hô “hai, ba nào” vì cán bộ đã khản đặc cả cổ. Hàng trăm chiến sĩ lại rạp mình kéo những khẩu pháo nặng trên 2 tấn vượt trở lại những dốc “Ngựa”, dốc “Cây cụt”, đèo “Ông Mậu”, dốc “Bảy tời”, dốc “Chuối” đã đi qua lần trước, để sau 10 đêm, tất cả về nơi tập kết cũ.

Tờ mờ sáng ngày 6-2-1954 (mùng 4 Tết Giáp Ngọ), tại một khu rừng thưa gần km62 đường Tuần Giáo - Điện Biên, đông đảo cán bộ hai trung đoàn Tất Thắng và Hương Thủy, vui mừng đón Đại tướng Tổng tư lệnh đến thăm. Đại tướng nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị công binh, pháo binh, bộ binh đã bảo vệ an toàn, nguyên vẹn 24 khẩu pháo lựu, 24 khẩu cao xạ pháo, tài sản quý giá của quân đội. Về lý do phải kéo pháo ra, Đại tướng giải thích ngắn gọn, là để tiếp tục chuẩn bị lại đầy đủ hơn, bảo đảm đánh chắc thắng. Sau khi chuyển lời chúc Tết của Bác Hồ, T.Ư Đảng, Chính phủ đến cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng căn dặn: “Các đồng chí phải tiếp tục giữ bí mật binh chủng đến cùng, phải hết sức tiết kiệm đạn, phải đoàn kết hiệp đồng với đơn vị bạn thật tốt, cán bộ phải thương yêu chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với anh em”.

Đại tướng báo tin vui: “Trong khi các cậu kéo pháo ra thì quân của anh Vương Thừa Vũ (Đại đoàn 308) phối hợp với quân bạn Pathét Lào bất thần mở cuộc tiến công sang hướng Thượng Lào, tiêu diệt 17 đại đội địch, đập tan phòng tuyến sông Nậm Hu, tiến sát sông Mê Công, chỉ cách thủ đô Luông Pha Băng 15km”. Không khí vui vẻ hẳn lên, Đại tướng nói tiếp: “Để đưa chiến dịch đến toàn thắng, Đảng yêu cầu các đồng chí phải cố gắng nhiều hơn nũa. Phải dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phải tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch. Ngay từ lần đầu xuất hiện, các đồng chí phải làm cho quân thù khiếp sợ trọng pháo và cao pháo Việt Nam”. Mọi người lắng nghe như nuốt lấy từng lời, mọi tư tưởng đã hoàn toàn thông suốt. Tất cả sẵn sàng lao vào cuộc “đại chuẩn bị” cho Chiến thắng. Đại tướng Tổng tư lệnh để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ chúng tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc.

CCB Lưu Trọng Lân kể