Xuân Lộc
Ngay từ lúc chính quyền cách mạng mới phôi thai ở chiến khu, Đảng ta đã chỉ đích danh những thói hư tật xấu của những cán bộ hư đốn và nghiêm khắc cảnh cáo. Bởi nếu chậm khắc phục sẽ phương hại đến uy tín của Đảng, đẩy nhân dân xa rời cách mạng. Thuở ban đầu ấy mới là những cá nhân, chưa hình thành bộ phận như ngày nay khi Đảng ta đã là một đảng cầm quyền. Đảng đã thông báo công khai trên báo Việt Nam độc lập số 224, ra ngày 30-7-1945, cách nay đúng 70 năm, trước Tổng khởi nghĩa đúng 19 ngày.
Mục 3 thông báo có tiêu để: “Cảnh cáo cán bộ thiếu tư cách”. Lời cảnh cáo như sau: “Thấy phong trào lên cao, quần chúng theo VM (Việt Minh) nhiều, một số cán bộ vô lương tâm làm nhiều điều rất bậy bạ, trái với con đường chính trị chung của đoàn thể. Bọn cán bộ này quan liêu, khinh miệt dân, dọa nạt dân hoặc đem việc cá nhân ra khủng bố. Bọn con chiên ghẻ ấy lại hạch sách, mắng chửi hạ cấp… đi đến đâu thì bắt địa phương hầu hạ, cung phụng ăn uống lu bù…Những việc làm xấu xa ấy làm hại thanh danh của Đoàn thề. Hơn thế nữa quần chúng có thể quay sang phe phản động nếu gặp hoàn cảnh vì họ thấy đối với cách mạng đã không được bênh vực lại thêm lo sợ”.
Dựa vào văn phong khúc triết, dễ hiểu cũng như uy lực trong từng con chữ, một số nhà nghiên cứu cho rằng thông báo trên do Bác Hồ viết. Thời ấy, bên cạnh những đồng chí trung kiên, gương mẫu cũng đã xuất hiện một số cán bộ thoái hóa, biến chất- những con sâu, ký sinh trùng truyền kiếp của chính quyền. Hơn 2/3 thế kỷ đã trôi qua mà đọc lại lời cảnh cáo trên, bất chợt bàng hoàng tưởng như bản thông báo mới viết những dòng này gần đây thôi. Bởi, quan liêu, tham nhũng thực sự đang là một trong những nguy cơ thách thức sự sống còn của chế độ. Tổng kết đánh giá qua các kỳ Đại hội Đảng thì tính chất và quy mô của tình trạng này là rất đáng lo ngại.
Tại Đại hội VII (1991) mới nhận định là có một bộ phận cán bộ, đảng viên thì đến Đại hội VIII (1996) đã thành một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về phẩm chất đạo đức và lối sống. Năm năm sau, Đại hội IX (2001) vấn đề không những còn nguyên mà lại nặng nề hơn: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn nghiêm trọng”. Trong báo cáo về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội X (2006) có đoạn: “…Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu tham nhũng sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài”. Gần đây nhất, báo cáo chính trị tại Đại hội XI (2011) vẫn đánh giá “Tình trang suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp”.
Tại sao chỉ là một bộ phận không nhỏ lại có “sức sống” dai dẳng ghê gớm thế? Qua 5 nhiệm kỳ của một chính đảng dạn dày kinh nghiệm đấu tranh, nhận thức rõ về nguy cơ, quyết tâm cao với đầy đủ nghị quyết, kế hoạch, tổ chức nhằm ngăn chặn, đẩy lùi mà xem ra chúng chưa hề sứt mẻ. Bảo rằng ta làm chưa quyết liệt, chưa nghiêm thì cũng có nhưng chưa hoàn toàn đúng. Còn nói vì lương không đủ sống nên sinh hư, vậy sao nhiều kẻ có cuộc sống dư dả thậm chí sung túc, đế vương lại hư đốn? Nếu cho rằng không được giáo dục, tu dưỡng càng không đúng. Hầu hết cán bộ đảng viên đều được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên; cán bộ chủ chốt được đào tạo bài bản qua trường lớp. Đặc biệt gần đây đều được rèn luyên qua cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Vậy còn nguyên nhân gì và làm gì để đẩy lùi tệ nạn này?
*
Chuyện xưa truyền lại, đời vua Lê Thánh Tông có quan trạng nguyên Vũ Kiệt đã kiến giải chí lý về chống tham nhũng, ông tâu: “Thần thấy trong Kinh Thi có câu đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính”. Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt, mà muốn bọn quan lại phải sống trong sạch thì chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong”. Theo quan trạng họ Vũ thì giữ gìn nước đầu nguồn là hệ trọng lắm và cũng khó khăn lắm. Chỉ có hai cách là trị tội các trưởng quan có thuộc cấp phạm lỗi và khen thưởng các trưởng quan liêm chính. Vì sao hễ thuộc cấp phạm lỗi lại trị tội trưởng quan? Ấy vì hai lẽ, bởi trưởng quan bất tài nên thường dùng kẻ xấu hoặc bởi trưởng quan cũng có tà tâm. Đầu nguồn nước đục mong gì dòng trong hóa ra là chuyện của muôn thuở. Các vụ đại án những năm qua cho thấy nước đầu nguồn đều đục cả.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bàn về chống tệ quan liêu tham nhũng, người viết bài này thu hoạch được tám chữ để tu thân và trị quốc cho mỗi đảng viên của một Đảng cầm quyền: Ấy là: “Cần, kiệm, liêm, chính” để tu thân. Trị quốc thì phải “dĩ công vi thượng”!
X. L