Đến hầu hết các vùng nông thôn, chúng ta đều có thể dễ dàng gặp những bãi rác tự phát cạnh các đường liên thôn, liên xã và cả các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Ở nhiều nơi, rác chất thành đống, thành bãi, thậm chí cao như những ngọn đồi nhỏ gây ô nhiễm về không khí, về nước thải ra các khu vực xung quanh. Khu vực ngoại thành Hà Nội sản sinh 2.000 tấn rác/ngày và những “núi” rác ở khu vực Sơn Tây, Xuân Mai luôn là nỗi “đau đầu” không chỉ riêng của ngành chức năng. Nhiều địa phương đã đầu tư, lắp đặt lò đốt rác và xử lý rác thải rắn công suất nhỏ, nhưng do thiếu tiền và vận hành sai quy trình khiến các lò này không phát huy được tác dụng. Môi trường nông thôn đang chịu những áp lực từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt, đồng thời từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề. Trung bình mỗi ngày, mỗi làng nghề thải ra 300-500 tấn bã, hơn 15.000m3 nước thải, hàng trăm tấn chất thải rắn chứa các chất tẩy rửa hóa học, tác động trực tiếp đến môi trường. Xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc, Hải Dương) có làng nghề da giầy, doanh thu 35-40 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 1.500 lao động, nhưng mỗi ngày thải ra 2,5 tấn rác thải. Mặc dù có HTX dịch vụ môi trường, nhưng khi rác được gom về thì người dân lại... đốt, gây khói bụi mù mịt. Huyện Phú Xuyên (Hà Nội) có 40 làng nghề, mỗi ngày phát thải 27 tấn rác, trong đó có 7,2 tấn rác nguy hại chưa xử lý, cùng đó là 39 điểm rác sinh hoạt tồn lưu từ năm 2009 với khối lượng 30.000m3… Cả nước có 1.864/5.411 làng nghề truyền thống được công nhận thì có tới 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng không khí, nước, đất; có 27% ô nhiễm vừa. Nước thải làng nghề có hàm lượng các chất ô nhiễm vượt chục lần cho phép, tập trung chủ yếu tại các làng nghề chế biến thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ, tái chế giấy, sơn mài…; có 72% làng nghề quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp, quy trình sản xuất thô sơ, cùng đó, chính sách di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư được thực hiện, song lại như một hình thức giãn dân, mở rộng vùng ô nhiễm mà trên thực tế đã xảy ra tại Bắc Ninh và một số tỉnh khác…
Cả nước hiện có hơn 60 triệu người sống ở vùng nông thôn, chiếm tới 73% dân số, mỗi ngày phát sinh trên 35.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm hơn 13 triệu tấn, cùng hơn 1.300 triệu mét khối nước thải sinh hoạt và 7.500 tấn vỏ bao bì thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom để xử lý và xả trực tiếp vào môi trường. Ở ĐBSCL, tình trạng khai thác nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất và nuôi trồng thủy sản một cách ồ ạt gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tăng khả năng xâm nhập mặn… Về thuốc BVTV, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 130.000 tấn, dư lượng cây trồng không hấp thụ hết chiếm 40-50% làm ô nhiễm nguồn nước, gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản và làm thoái hóa đất… Đây là những thử thách lớn mà các cấp chính quyền, các ngành chức năng và chính người dân các địa phương đang cần giải quyết bởi nó tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến cuộc sống của mỗi người về tiền bạc, về sức khỏe.
Chúng ta đã bàn và đã làm, đã đầu tư khá nhiều để xử lý rác thải nông thôn với nhiều chương trình, dự án ở nhiều địa phương như sản xuất rau, gia súc, gia cầm sạch, hạn chế dùng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; VAC, thùng rác tự tạo, hầm rác tự xây, hố rác tự phân huỷ, hố ủ phân rác trát bùn; thu dọn bao bì thuốc trừ sâu trên cánh đồng, xây dựng các tổ, đội, HTX chuyên trách về môi trường (năm 2014 cả nước có 274 HTX môi trường), trong đó có sự tham gia tích cực của lực lượng CCB ở các địa phương. Kết quả làm được là lớn, nhưng so với nhu cầu thì chưa đáp ứng được.
Để giải quyết có hiệu quả vấn đề rác thải nông thôn, bài toán không ở đâu xa, đó chính là nâng cao nhận thức người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và quan trọng nhất là có sự đầu tư xứng đáng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa về tiền bạc và vật chất theo hướng hiện đại để giải quyết vấn đề này như ở khu vực đô thị. Thiếu sự đầu tư thì rác nông thôn năm này qua năm khác… vẫn thế!
Hồng Hạnh