Trong năm ngoái kính thiên văn này phát hiện 1.235 thiên thể mới ngoài Thái Dương Hệ và thuộc dải Ngân Hà. 54 thiên thể trong số đó là hành tinh và không nằm quá xa hoặc quá gần ngôi sao của chúng. Nếu khoảng cách từ hành tinh tới ngôi sao quá ngắn, nhiệt độ bề mặt hành tinh sẽ cao đến mức nước bốc hơi liên tục. Ngược lại, nếu chúng nằm quá xa ngôi sao, nhiệt độ bề mặt sẽ thấp tới mức nước đóng băng. Hơi nước và băng không thể hỗ trợ sự sống. Chỉ có nước làm được điều này.
Cho tới nay giới khoa học mới chỉ tìm thấy hai hành tinh có thể chứa sự sống ngoài hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của sinh vật sống trên hai hành tinh ấy vẫn là đề tài gây tranh cãi.
Đây là một bước tiến dài trong hành trình săn lùng hành tinh có một số điều kiện cơ bản và cần thiết để sự sống tồn tại - như kích thước, cấu tạo, nhiệt độ bề mặt và khoảng cách so với ngôi sao riêng. Để có thể tìm thấy những điều kiện phức tạp hơn (khí quyển, sự tồn tại của nước và carbon), loài người phải chế tạo thế hệ kính thiên văn không gian mới và cao cấp hơn mọi loại kính thiên văn hiện nay.
Một hành tinh có những điều kiện cần thiết đối với sự sống không có nghĩa là nó chắc chắn chứa sinh vật sống. Sao Hỏa là một ví dụ tiêu biểu. Ngay cả khi sinh vật sống tồn tại trên một hành tinh nào đó thì một khả năng khác vẫn có thể xảy ra: Chúng không phải là sinh vật có trí tuệ, mà chỉ là vi khuẩn, rêu, nấm hoặc một thứ gì đó mà con người không thể tưởng tượng.
Trước ngày 2/2, giới khoa học mới phát hiện 519 hành tinh ngoài Thái Dương Hệ. Nếu tất cả 1.235 thiên thể mới được xác nhận là hành tinh thì kính Kepler sẽ tạo nên một kỷ lục khó tin. Thông tin về chúng sẽ được NASA công bố trong vài ngày tới.
Hoàng Linh (TH)