Thời gian gần đây, những người dân huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là những người dân ở ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ Hưng và các vùng lân cận như Ba Son, Gò Nổi, Sa Nhỏ, Đồng Lớn... vô cùng bức xúc. Họ bức xúc vì ông Võ Văn Giây, ngụ tại ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ Hưng, là bộ đội đào ngũ trong kháng chiến chống thực Pháp, năm 1952 bị địch bắn bị thương lủng phổi trong lúc đào ngũ, chạy dài mà hiện nay đã và đang ung dung được hương chế độ thương binh, được hưởng chế độ hưu trí của Nhà nước và được công nhận là gia đình có công!

Vậy ông Giây là người thế nào?

Ông Lê Hùng Kiệt, Phó ban liên lạc CCB Đại đội 918, Tiểu đoàn 306 Gia Định Ninh (Gia Định - Tây Ninh) kể:

Ngày 15-2-2002, Ban liên lạc CCB Đại đội 918, Tiểu đoàn 306 tổ chức gặp mặt thường niên tại nhà ông Chín Bổn (đối diện chợ Bầu Nai, phường Tân Thới Nhất, quận 12). Năm 1952, Đại đội 918 đóng quân ở xã Thanh Tuyền (bắc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), gần Bầu Nổ. Trong cuộc gặp mặt ấy có cả ông Nguyễn Tấn Sỹ (nguyên là tiểu đội trưởng), ông Nguyễn Văn Điển (nguyên là tiểu đội phó) thuộc trung đội 1, Đại đội 918. Các ông Sỹ, Điển là tiểu đội trưởng, tiểu đội phó trực tiếp chỉ huy ông Giây năm 1952.

Trong cuộc gặp này, chúng tôi đem trường hợp của ông Giây để mọi người có ý kiến kết luận chính thức. Các ông Nguyễn Tấn Sỹ, Nguyễn Văn Điển đã khẳng định ông Giây là chiến sĩ của tiểu đội do mình phụ trách. Ông Giây lúc đó ở bộ phận đan nón ky (mũ tre) cho đại đội cùng một số anh em khác. Thời gian này, vợ ông Giây ở xã Phú Mỹ Hưng qua thăm. Một tuần sau, ông Giây đưa vợ về và bỏ ngũ luôn từ đấy.

Sự việc xảy ra đã 50 năm, nhưng nhờ có Ban liên lạc CCB Đại đội 918 Tiểu đoàn 306 hàng năm họp mặt nhau đều đặn, nên xác nhận ông Võ Văn Giây được bổ sung về Đại đội 918 Tiểu đoàn 306 trong thời gian ngắn và bỏ ngũ luôn là xác nhận chính xác.

Nhưng điều do ông Lê Hùng Kiệt kể, được ghi thành biên bản xác nhận của Ban liên lạc Đại đội 918, viết ngày 17-7-2003. Xác nhận viết: Thay mặt Ban liên lạc CCB Đại đội 918 Tiểu đoàn 308, tôi xin làm xác nhận này để các cơ quan chức năng xem xét thực hiện đúng chính sách và yêu cầu các đống chí rút hồ sơ gốc kiểm tra. Ai xác nhận ông Võ Văn Giây, một người bỏ ngũ chạy dài lại được hưởng chính sách thương binh, chế độ hưu trí và gia đình có công?

Bản xác nhận của Ban liên lạc CCB Đại đội 918 được gửi đến Phòng LĐ-TBXH và Ban đại diện chính sách huyện Củ Chi.

Ông Nguyễn Văn Đường, năm 2003 là Trưởng ban đại diện chính sách huyện Củ Chi, viết đề nghị gửi UBND huyện Củ Chi, Giám đốc Sở LĐ - TBXH TP Hồ Chí Minh, về việc “giải quyết dân tố cáo hưởng chế độ chính sách dởm”. Đề nghị viết:

Trong công văn số 16/ĐDCS ngày 25-1-2003 gửi Giám đốc Sở LĐ - TBXH, thanh tra Huyện uỷ, UBND huyện Củ Chi... chúng tôi đã đề nghị Sở LĐ - TBXH thành phố chỉ đạo giải quyết việc ông Võ Văn Giây, ngụ tại xã Phú Mỹ Hưng bỏ ngũ chạy dài mà vẫn được hưởng chế độ hưu trí và chế độ thương binh, nhưng đến nay (ngày 12-8-2003), chúng tôi vẫn chưa được hồi âm.

Lần này, chúng tôi xin phản ánh thêm những điểm mâu thuẫn đến phi lý về việc đãi ngộ ông Võ Văn Giây. Thứ nhất, hồ sơ chính sách do xã Phú Mỹ Hưng gửi thẳng lên Sở TBXH (lúc ấy chưa sáp nhập với Sở LĐ), không thông qua các cơ quan chức năng của huyện Củ Chi. Lý do không qua huyện vì sợ bị phát hiện sự phi lý? Sở LĐ - TBXH giải quyết trực tiếp trường hợp của ông Giây? Ông Giây nhập ngũ năm 1952, bỏ ngũ chạy dài đến tận năm 1975, làm sao có thể nhận sổ hưu? Thứ hai, sau khi bỏ ngũ, ông Giây bị địch phục kích bắn bị thương, vết thương xuyên phổi, ông Giây khai là điều trị trong dân, tại xã Phú Mỹ Hưng, nhưng ở Phú Mỹ Hưng không thể chữa được vết thương ở phổi, đơn giản vì không có bác sĩ và thuốc kháng sinh. Người làm chứng trường hợp bị thương của ông Giây là một người dân địa phương (không phải là đơn vị của ông Giây, vì ông Giây đã bỏ ngũ) là không phù hợp. Ông Giây bị thương năm 1952. Mãi 34 năm sau, ngày 18-6-1986, Hội đồng y khoa mới giám định thương tật theo giới thiệu của Sở LĐ - TBXH. Một sự lạ nữa: ông Cao Văn Ngôi, người làm chứng trường hợp ông Giây bị thương, ký tên làm chứng vào ngày 25-6-1988, sau giám định y khoa 2 năm! Vậy mà ông Giây vẫn được cấp thẻ và hưởng chế độ thương binh?

Thương binh là những người đã đóng góp một phần xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Bác Hồ, Đảng và Nhà nước luôn dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt để chia sẻ một phần sự thiệt thòi, mất mát của họ, những thương binh đích thực.

Không ít cán bộ, chiến sĩ bị thương trong chiến đấu, do mất giấy tờ, do đơn vị giải thể không có người chứng thực... không được hưởng chế độ thương binh. Còn trường hợp ông Võ Văn Giây, liệu ông có đúng là thương binh? Công luận đang chờ sự trả lời của cơ quan chức năng huyện Củ Chi và TP Hồ Chí Minh.

Đỗ Tất Thắng