Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 90% người có bệnh về răng miệng, trong đó hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi mắc sâu răng sữa; sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi. Ở người cao tuổi và người trưởng thành, hơn 80% người bị sâu răng vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây sâu răng
Vệ sinh răng miệng kém: Không chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho mảng bám, màng dính vi khuẩn tích tụ trên răng. Vi khuẩn trong mảng bám tạo ra axit tấn công và khử khoáng men răng, dẫn đến sâu răng.
Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm, đồ uống có đường và axit: Đường và axit tạo ra môi trường axit trong miệng, lâu ngày có thể làm mòn men răng. Soda, bánh kẹo và thậm chí cả nước ép trái cây đặc biệt có hại khi tiêu thụ thường xuyên.
Khô miệng: Thiếu nước bọt có thể làm tăng nguy cơ sâu răng vì nước bọt giúp trung hòa axit và tái khoáng hóa răng.
Thiếu fluoride: Fluoride giúp củng cố men răng và giúp răng có khả năng chống lại sự tấn công của axit tốt hơn. Việc tiếp xúc không đầy đủ với fluoride từ các nguồn như nước, kem đánh răng hoặc các phương pháp điều trị bằng fluoride chuyên nghiệp có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
Vị trí răng: Răng có rãnh sâu, hố sâu hoặc khoảng cách quá chật hẹp dễ bị tích tụ mảng bám và sâu răng hơn.
Trào ngược axit và một số bệnh lý: Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể làm mòn men răng theo thời gian, dẫn đến sâu răng nghiêm trọng.
Cách phòng ngừa sâu răng
Đánh răng thường xuyên: Sử dụng kem đánh răng có chứa florua, đánh răng ít nhất 2 lần 1 ngày, lý tưởng nhất là sau mỗi bữa ăn. Dùng chỉ nha khoa, tăm nước. Để làm sạch kẽ răng, dùng chỉ nha khoa, tăm nước ít nhất 1 lần mỗi ngày.
Dùng nước súc miệng: Nếu bạn có nguy cơ cao bị sâu răng, nha sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng nước súc miệng có chứa florua.
Thăm khám nha khoa thường xuyên: Làm sạch răng chuyên nghiệp và kiểm tra răng miệng thường xuyên, có thể giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm sâu răng.
Trám bít hố rãnh: Chất trám bít là một lớp phủ nhựa bảo vệ được áp dụng cho bề mặt nhai của răng hàm. Nó bịt kín các rãnh và vết nứt có xu hướng thu thập thức ăn, bảo vệ men răng khỏi mảng bám và axit. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị, dùng chất bịt kín cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học.
Uống nước bổ sung florua: Hầu hết các nguồn cung cấp nước công cộng đều có bổ sung florua, có thể giúp giảm sâu răng đáng kể. Nếu bạn chỉ uống nước đóng chai không chứa chất florua, bạn sẽ bỏ lỡ những lợi ích của florua.
Tránh ăn vặt: Bất cứ khi nào bạn ăn hoặc uống đồ uống không phải là nước, sẽ giúp vi khuẩn trong miệng tạo ra axit có thể phá hủy men răng. Nếu bạn ăn nhẹ hoặc uống đồ ngọt suốt cả ngày, răng của bạn sẽ bị tấn công liên tục.
Ăn thức ăn có lợi cho răng: Một số loại thực phẩm và đồ uống tốt cho răng của bạn như trái cây và rau quả tươi làm tăng tiết nước bọt. Tránh thức ăn mắc kẹt trong các rãnh và lỗ trên răng trong thời gian dài Chải răng ngay sau khi ăn.
Điều trị kháng khuẩn: Nếu bạn đặc biệt dễ bị sâu răng do mắc một số bệnh, nha sĩ có thể khuyên bạn nên dùng nước súc miệng kháng khuẩn đặc biệt hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp giảm vi khuẩn có hại trong miệng.
Chú ý, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng chứa Fluoride. Kiểm tra răng miệng định kỳ 3-6 tháng/lần.
Thành An