Tết Nguyên đán đang tới rất gần, vấn đề an toàn thực phẩm lại trở nên cấp thiết. Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc ngày Tết, người tiêu dùng cần chú ý:
Mua thực phẩm ở nơi đáng tin cậy: Nên mua thực phẩm ở những nơi có uy tín, tốt nhất có các chứng nhận của cơ quan chức năng, không mua thực phẩm tươi sống ở những nơi bày bán không đảm bảo vệ sinh.
Lựa chọn thực phẩm tươi, có nguồn gốc rõ ràng: Chọn thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng, hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Nếu là quả thì nên rửa sạch, gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát.
Thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai, các loại gia vị... nên chọn những loại có nhãn mác, nhà sản xuất có uy tín, còn hạn dùng, nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Ăn uống và bảo quản thực phẩm đúng cách: Thức ăn phải được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến. Nấu chín thực phẩm là cách để tránh gây ngộ độc. Thực phẩm chế biến xong nên ăn ngay, đảm bảo thơm ngon, hợp vệ sinh. Trường hợp nấu thức ăn thờ cúng để lâu cần tránh ruồi nhặng. Nên hâm nóng thức ăn trước khi ăn, thực phẩm ăn không hết cần bảo quản trong tủ lạnh đúng cách.
Ngoài ra, chúng ta cũng rất cần rửa tay và vệ sinh vật dụng ăn uống đúng cách và thường xuyên. Bởi thói quen có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống, từ đó giảm thiểu khả năng ngộ độc thực phẩm, giúp bạn và gia đình đón Xuân trọn vẹn hơn và vui vẻ hơn.
Một số biểu hiện ngộ độc thực phẩm: Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.
Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 thìa muối/chén nước.
Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Minh Vũ