LLVT tỉnh Phú Thọ cùng các đơn vị của Quân khu sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập úng tại huyện Thanh Sơn.
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT), từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai liên tục xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: 2 trận lũ quét, 12 trận động đất và 92 trận giông lốc, mưa đá, mưa lớn. Theo thống kê, thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 19 người chết, 79 người bị thương và gây thiệt hại 610 tỷ đồng... Vào mùa mưa bão, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như địa bàn Quân khu 2 nói riêng càng trở nên cấp thiết và phải được chuẩn bị kỹ càng.
Những ngày này, tại các đơn vị thuộc Quân khu 2, bên cạnh việc thực hiện tốt các nội dung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thì đều có một điểm chung đó là sự chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Mỗi đơn vị đều xác định rất rõ kế hoạch và các phương án trong việc huy động lực lượng, phương tiện để triển khai nhiệm vụ trên địa bàn đóng quân khi có tình huống xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hà Thọ Khương - Phó trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu cho biết: “Với đặc điểm địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi, núi, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thất thường, hay xảy ra thiên tai, sự cố, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Chính vì thế, bước vào mùa mưa bão, LLVT Quân khu đã có sự chủ động mọi phương án, tình huống, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu, huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và 4.000 dân quân tự vệ để tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương, đặc biệt là khắc phục dông lốc, lũ ống lũ quét.
Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, Quân khu chú trọng việc kiện toàn, duy trì nền nếp hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, hoàn thiện hệ thống kế hoạch phòng, chống thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, xây dựng phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ rủi ro, nhất là ứng phó với thiên tai lớn, như: Siêu bão, động đất, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, sự cố các hồ, đập thủy điện.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại các đơn vị đều xây dựng lực lượng bán chuyên trách, phản ứng nhanh; thường xuyên tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn. Tại Lữ đoàn Công binh 543, ngoài tổ chức lực lượng thi công các công trình, Lữ đoàn cũng tổ chức và giao nhiệm vụ cho 1 tiểu đoàn chuyên trách trong thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và thường xuyên luyện tập các phương án. Thượng tá Nguyễn Doãn Mạnh - Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn khẳng định: “Chúng tôi làm tốt công tác chuẩn bị, về con người, trang bị. Ngay từ bây giờ tất cả các trang bị làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão thường xuyên được kiểm tra hằng tuần, hai là các trang bị đi kèm luôn đảm bảo 100% đi theo từng đội, ba là phân chia theo từng đội một, gồm bao nhiêu đồng chí, do ai chỉ huy, có trang bị gì, phụ trách những công việc gì... nên khi có tình huống xảy ra là chúng tôi thực hiện được ngay”.
Tại các đơn vị chủ lực, Quân khu chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nhất là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão. Thiếu tá Nguyễn Chí Vinh - Chính trị viên Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị 2 đại đội chủ công, cùng với hơn 300 đồng chí các đơn vị trực thuộc sẵn sàng cơ động. Đối với lực lượng này, chúng tôi huấn luyện chuyên sâu, anh em nắm rất chắc các nội dung, thành thục động tác”.
Đối với khối địa phương, các đơn vị cũng đã tăng cường bám địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành của địa phương nắm, dự báo tình hình, kiểm tra đê, kè, hồ, đập, sông, suối trọng điểm, các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng; chủ động cảnh báo, phát hiện sớm và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện xử lý, không để bị động bất ngờ…
Ngành Hậu cần Quân khu 2 cũng chủ động trong việc phân cấp bảo đảm, sẵn sàng huy động nguồn lực tại chỗ. Đại tá Đặng Văn Hòa - Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 2 khẳng định: “Trên cơ sở kế hoạch đã dự kiến, dự báo các tình huống có thể xảy ra để tổ chức, bố trí sử dụng lực lượng, phân cấp bảo đảm hợp lý ở từng cơ quan, đơn vị và từng địa bàn. Do đó, khi có thiên tai thì công tác bảo đảm hậu cần luôn chủ động, kịp thời, không gián đoạn trong mọi tình huống”.
Có thể nói, với ý thức chính trị, quyết tâm cao và tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, LLVT Quân khu 2 luôn thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Nguyễn Pháp