“Rằng hay thì thật là hay/ Triển khai thực hiện vẫn gay thế nào” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “lẩy Kiều” như vậy tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị Khóa XIII “Về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 23-10. Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã ngẫu hứng đọc thơ. Như đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đọc đôi lời nhắn nhủ của người dân ở cơ sở đến lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư: “Bộ về, bộ thấy, bộ thương/ Nhưng ra đến đường thì bộ lại quên”. Còn đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND T.P Hồ Chí Minh thì chia sẻ ý kiến của một đảng viên lão thành: “Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ lần này thật là “Nghe đến đâu, thấm sâu đến đó”.
Những câu thơ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói trên, dù đề cập nhiều vấn đề và khía cạnh khác nhau, nhưng chung lại là vấn đề đưa nghị quyết vào cuộc sống. Từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề này luôn là đề tài nóng hổi, luôn có tính thời sự. Đặc biệt, thời kỳ đổi mới, vấn đề “đưa cuộc sống vào nghị quyết” để nghị quyết có thể dễ dàng thấm sâu vào đời sống càng trở nên quyết liệt. Đã có những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta thẳng thắn phê phán hiện tượng “nghị quyết trên trời, cuộc đời dưới đất”. Và gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý: Các nghị quyết của Đảng được soạn thảo công phu, nghiêm túc; nghe thì rất hay, có nhiều cái mới nhưng chậm đi vào cuộc sống. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng nhận định, việc triển khai thực hiện nghị quyết vẫn là khâu yếu trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Quả thật, nếu nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Đảng trong vài ba nhiệm kỳ trở lại đây, hẳn mỗi chúng ta đều dễ dàng nhận ra đó là những văn kiện rất giàu trí tuệ. Để có được một nghị quyết của T.Ư hay Bộ Chính trị, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực đã đi sâu khảo sát thực tiễn, đúc rút, khái quát thành lý luận; so sánh, đối chiếu với nền tảng tư tưởng của Đảng; trải qua rất nhiều hội thảo, lấy ý kiến trực tiếp từ người dân và đông đảo cán bộ, đảng viên thì mới xây dựng được dự thảo văn kiện. Sau đó, T.Ư Đảng hoặc Bộ Chính trị thường trải qua thảo luận kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ tập thể; thậm chí là những cuộc tranh luận gay gắt, quyết liệt để làm rõ vấn đề, sau đó mới biểu quyết ban hành nghị quyết. “Đường đi” của nghị quyết công phu, gian nan, với hàm lượng chất xám rất cao như vậy, tại sao việc triển khai hiện thực hóa mục tiêu các nghị quyết lại khó khăn đến vậy?
Nguyên nhân có nhiều, nhưng có lẽ nguyên nhân gốc của vấn đề vẫn là đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp. Tham luận của một số người đứng đầu chính quyền địa phương và các Bộ tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cho thấy, tuy các tham luận đều khá sâu sắc, nghe ra rất hay, rất cụ thể nhưng việc cụ thể mà Bộ đó, chính quyền địa phương đó sẽ làm để thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW thì chưa rõ. Có vị Bộ trưởng, nếu lên rất nhiều vướng mắc, sau đó kiến nghị cần có cơ chế để thực hiện liên kết vùng, cơ chế để phân công trách nhiệm nếu nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Nghe thì thấy rất sâu sát, nhưng thực ra, vấn đề vướng mắc về cơ chế để liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau cùng giải bài toán phát triển vốn là chuyện “xưa như trái đất”, chuyện mà biết bao đài, báo đã nói. Giá như, vị Bộ trưởng ấy kiến nghị rõ luôn những cơ chế thật cụ thể, kiến nghị T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội... phải làm những việc cụ thể gì để có cơ chế liên kết cho vùng Đông Nam Bộ phát triển, thì mới thực sự thiết thực.
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chừng nào đội ngũ cán bộ còn chung chung, “chỉ tay năm ngón” thì nghị quyết dẫu hay vẫn “rất gay go” và “nhiều nỗi lo” khi triển khai thực hiện.
Hà Thanh