Ở nước ta, một trong những vấn đề lớn nhất của nền quản trị quốc gia hiện nay là tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức né tránh và đùn đẩy trách nhiệm.
Trạng thái tâm lý chần chừ, lo sợ là rất nặng nề. Trạng thái tâm lý này được một vị đại biểu Quốc hội diễn tả ngắn ngọn và khá chính xác là: “Thà đứng trước hội đồng kỷ luật hơn đứng trước hội đồng xét xử”.
Tình trạng né tránh và đùn đẩy trách nhiệm đã ảnh hưởng rất tiêu cực để sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta chậm lại trong quý I-2023 này phản ánh rất rõ tác động tiêu cự nói trên.
Trong bối cảnh như vậy, Kết luật 14 của Bộ Chính trị về việc “Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” (ban hành ngày 22-9-2021) là một chủ trương và định hướng chính sách hết sức quan trọng. Vấn đề là chủ trương và định hướng chính sách này cần phải nhanh chóng được thể chế hóa.
Giải pháp lập pháp quan trọng nhất để thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị phải chăng chính là Quy chế thử nghiệm Sandbox (Regulatory Sandbox hay Statutory Sandbox). Thực ra, chúng ta hoàn toàn có thể nói ngắn ngọn là Quy chế Sandbox, vì giống như thuật ngữ Internet, thuật ngữ Sandbox đã trở nên rất phổ biến trên thế giới đến mức không nhất thiết phải dịch ra tiếng Việt.
Quy chế Sandbox là một quy chế pháp lý cho phép những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá thí điểm các ý tưởng, các giải pháp và cách làm mới tách khỏi môi trường thể chế hiện tại. Do được tách khỏi môi trường thể chế như trong một Sandbox, nên các cán bộ, công chức này sẽ không bị các quy định trùng trùng, điệp điệp của hệ thống pháp luật hiện tại cản trở hoặc gây ra những khó khăn, ách tắc không thể vượt qua.
Chúng ta ai cũng biết một trong những nguyên nhân cơ bản tác động tiêu cực đến sự quyết đáp và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức chính là sự chồng chéo và sự xung đột của các văn bản pháp luật. Rõ ràng, khi pháp luật chồng chéo và xung đột, thì việc né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm là hoàn toàn dễ hiểu. Lý do là vì làm kiểu gì cũng rất dễ vi phạm: tuân thủ luật này, thì sẽ vi phạm luật khác. Trong bối cảnh như vậy, không làm gì cả là vừa an toàn và vừa có lợi. Càng làm nhiều thì càng sai phạm nhiều. Cuối cùng, không khéo những người không làm gì cả sẽ được lên chức, những người dám quyết đáp để thúc đẩy công việc lại bị kỷ luật, thậm chí bị tù tội.
Quy chế Sandbox chính là công cụ pháp lý bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá hiệu quả và đáng tin cậy nhất.
Hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 và những thay đổi liên tục của thế giới, đổi mới, sáng tạo là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, những đổi mới, sáng tạo đột phá thường rất khó được triển khai vì bị cản trở bởi khuôn khổ thể chế hiện tại. Muốn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo vì vậy hầu hết các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức lớn trên thế giới đều phải áp dụng Quy chế Sandbox. Có thể kể ra đây, Quy chế Sandbox cho xe tự lái của Mỹ, Quy chế Sandbox cho các start-up của Hàn Quốc, Quy chế Sandbox cho các fintech của Dubai…
Ở nước ta, một Quy chế Sandbox có thể bao gồm những nội dung sau: Định nghĩa về Quy chế Sandbox và khả năng hành xử trong phạm vi của Sandbox. Cần nhấn mạnh đã hành xử trong phạm vi của Sandbox thì không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho dù không tuân thủ đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành; các quy định về thẩm quyền, thủ tục thành lập các Sandbox, cách thức xác định không gian và thời gian của một Sandbox cụ thể; các quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục lựa chọn các ý tưởng, sáng kiến được chấp nhận cho thử nghiệm và được áp dụng Quy chế Sandbox; các quy định về việc các ý tưởng, các sáng kiến phải được thực hiện dưới dạng các dự án thử nghiệm.
Các quy định về việc một dự án thử nghiệm phải được tiến hành qua hai công đoạn: Công đoạn thứ nhất là phải chứng minh về mặt lý thuyết, dự án sẽ mang lại kết quả mong muốn; công đoạn thứ hai là tiến hành thí điểm để khẳng định những gì đúng trên lý thuyết là đúng về mặt thực tế. Cán bộ đã đưa ra sáng kiến có thể được hỗ trợ trong cả hai công đoạn của dự án.
Quy định về cách thức đánh giá, tổng kết dự án và khả năng nhân rộng kết quả của dự án cũng như những kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành và Quy định về thủ tục kích hoạt và thủ tục chấm dứt Quy chế Sandbox.
Hiện nay, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho phép T.P Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố. Phải chăng Quy chế Sandbox là khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc thí điểm các cơ chế, chính sách nói trên? Đây sẽ là một cách làm rất thiết thực vừa giúp cho T.P Hồ Chí Minh có khuôn khổ pháp lý an toàn, tin cậy để thí điểm các cơ chế, chí sách đột phá, vừa thu thập kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thiện Quy chế Sanbox của Việt Nam.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng