Mẹ Bùi Thị Hằng 86 tuổi.
Để tránh bị lộ bí mật, một bộ phận đơn vị cơ yếu, thuộc Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã phải di chuyển sang âp An Thạnh, xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương - bên kia sông Sài Gòn, nhưng đã bị trúng bom Mỹ, đó là ngày 30-11-1966, cả 9 cán bộ, chiến sĩ của tổ cơ yếu đều hy sinh, hầu hết không còn thi thể, trong đó có 7 đồng chí cơ yếu là cán bộ cốt cán được Ban Cơ yếu Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam – một tổn thất quá lớn của lực lượng Cơ yếu.
Mẹ Bùi Thị Hằng thắp hương cho các liệt sĩ trong bia tưởng niệm.

Thương tiếc con em mình hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bà con tự nguyện góp công, góp của lập miếu thờ các liệt sĩ ngay canh hố bom, nằm trên đất của mẹ Bùi Thị Hằng, một gia đình cách mạng. Và cũng từ ấy Mẹ giữ nguyên trạng hố bom, ngày ngày thăp hương, đèn, cúng hoa quả cho các liệt sĩ như ruột thịt trong gia đình.

Không chỉ mẹ Hằng, mà nhân dân trong ấp, ngoài xã “ngày Rằm, mùng Một” cũng đến viếng, thăp hương cho các liệt sĩ - Ngôi miếu trở thành địa chỉ tâm linh của địa phương.

45 năm sau đồng đội tìm đến, vẫn còn nguyên dấu vết hố bom. Mẹ Hằng bùi ngùi nói:

  • Tôi mong có ngày đồng đội của các liệt sĩ sẽ đến đây. Chắc hương hồn của các liệt sĩ sẽ rất vui gặp lại đồng đội của mình. Bây giờ tôi mới biết đơn vị và tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ. Vì ngày đó ai cũng “ba không” để giữ bí mật.

Biết nguyện vọng của đơn vị, mẹ Hằng tự nguyện hiến 100 mét đất trao cho Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng, tân trang lại khu Đền tưởng niệm 9 liệt sĩ cơ yếu.

Lễ cắt băng khánh thành Đền tưởng niệm được tổ chức long trọng vào ngày 25-7-2017 - đúng dịp kỷ niệm 66 năm thành lập Ngành Cơ yếu Việt Nam.
Người phấn chấn nhất trong Lễ khánh thành Đền chính là mẹ Bùi Thị Hằng, vì từ nay hương khói cho các liệt sĩ Mẹ gọi được tên từng người, chứ không phải “cúng vong” như trước nữa!

Nguyễn Trung Hiệp