UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, huyện đang vận động chủ tàu và ngư dân liên kết với tàu trong tỉnh để thành lập nghiệp đoàn nghề cá vươn ra khơi xa. Trước mắt, huyện Lý Sơn chọn xã An Hải, nơi hầu hết tàu thuyền đánh bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa để thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Sau đó tiếp tục mở rộng mô hình này cho tất cả tàu thuyền các xã còn lại trên địa bàn.
Chính quyền địa phương huyện Lý Sơn đang lựa chọn các phương thức như hỗ trợ ngư dân vay vốn lãi suất thấp đóng tàu công suất lớn ra khơi; hỗ trợ học bổng cho con em vùng biển; đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị để ngư dân yên tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Huyện Lý Sơn kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ trang bị thiết bị hiện đại; thành lập đội tàu có trọng tải công suất lớn khoảng 3.000 đến 5.000 CV để vừa khai thác hải sản, vừa tham gia cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân gặp rủi ro; đầu tư một số tàu đông lạnh công suất lớn vừa cung cấp nhu yếu phẩm, nước ngọt cho tàu cá hành nghề ở Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời thu mua, vận chuyển hải sản khai thác được về đất liền tiêu thụ.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, tỉnh hiện có 5.600 tàu đánh bắt thủy sản, trong đó gần 1.700 tàu đánh cá xa bờ với hơn 40.000 lao động trực tiếp sản suất trên biển. Trung bình mỗi năm, ngư dân Quảng Ngãi khai thác trên 90.000 tấn hải sản các loại, trị giá khoảng 2.250 tỷ đồng.
Tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân nhằm chia sẻ rủi ro cho các chủ tàu cùng người lao động. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm: “Tỉnh đang phát động cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ một ngày lương giúp ngư dân bám biển”.
Hoàng Linh (TH)