Thường trực Hội CCB huyện Quốc Oai và cán bộ xã Phú Cát đến thăm, tặng quà CCB Đào Duy Nhất, nhân dịp ông được trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Ông Đào Duy Nhất sinh ra tại thôn Khuôn Liều, xã Đức Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 17-1-1930, nhưng trú quán tại thôn 6, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) từ tháng 3-1991 đến nay.

Đại tá CCB Đào Duy Nhất - người có thời gian 55 năm thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng, trong đó 45 năm liên tục phục vụ trong quân đội, trực tiếp được tham gia chiến đấu trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, về nghỉ hưu từ năm 1990. Năm 2024, ông đã 97 tuổi đời và vinh dự được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Ông có rất nhiều ký ức trong suốt cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của mình. Nhưng có một kỷ niệm mà đến nay ở cái tuổi đời gần 1 thế kỷ rồi mà ông vẫn không quên, đó là trận đánh ở mặt trận Hồng Cúm (phân khu Nam tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ); trong trận đó, ông là Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 53…

Đại tá Đào Duy Nhất kể lại: Khoảng 9 giờ 25 phút ngày 6-4-1954, bộ binh và xe tăng của địch hình thành ba mũi bắt đầu tấn công vào trận địa Đại đội 53. Hướng chính diện có hơn một đại đội địch, cùng ba xe tăng, xe bọc thép; ỷ thế mạnh của hỏa lực, chúng hùng hổ tiến vào cách trận địa của ta chừng 200m. Chờ chúng tiến sát gần lại, Đại đội trưởng Hội hạ lệnh bắn. Toàn trận địa đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, thủ pháo. Chiếc xe tăng đi giữa bốc cháy ngay từ loạt đạn đầu do khẩu ĐKZ của Hoàng Khắc Vọng bắn trúng. Một bộ phận nhỏ của địch liều chết nhảy được xuống giao thông hào, nhưng lập tức bị Tiểu đội 5, Trung đội 6 nhanh chóng dùng lựu đạn, thủ pháo, tiểu liên K50… kịp thời diệt gọn 5 tên địch đi đầu. Số đi sau vội lùi ra xa, dùng hỏa lực của hai xe tăng từ xa bắn vào, cả các loại súng trung liên, tiểu liên, cối 81mm… bắn như đổ đạn vào trận địa của ta, làm thêm mấy chiến sĩ của đơn vị hy sinh và bị thương…

Mũi bên phải trận địa của ta, địch cho hai trung đội lính Âu Phi tiến công vào trận địa của Trung đội 7 do Trung đội trưởng Đào Duy Nhất trực tiếp chỉ huy. Ông đã bình tĩnh, linh hoạt, chủ động để địch tiến vào cách chiến hào của ta chừng 25m mới hạ lệnh cho đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, diệt hơn 10 tên địch. Nhưng bọn địch cậy có xe tăng dẫn đường nên hai tiểu đội địch đã chiếm được gần 200m hào của Trung đội 7. Lúc này, mặc dù vừa bị thương ở cánh tay phải, được băng bó nhưng ông vẫn tiếp tục chỉ huy Trung đội chiến đấu. Ông ra lệnh cho Tiểu đội trưởng hỏa lực Vũ Đình Khoa (quê Nghệ An) cũng bị thương do một mảnh đạn của địch găm vào bả vai trái, chỉ huy hai khẩu trung liên lao nhanh lên chiếm vị trí có lợi, bắn liên hồi chia cắt đội hình của địch, diệt nhiều tên, chi viện rất hiệu quả cho Tiểu đội 8 đánh chiếm lại được hào “râu tôm”. Phía bên phải trận địa của trung đội, Tiểu đội 6 do Tiểu đội phó Vũ Đức Đàn chỉ huy; mặc dù bị một mảnh đạn địch găm vào sườn bên phải, nhưng Đàn vẫn chiến đấu rất kiên cường. Bên trái trận địa, Tiểu đội trưởng Trịnh Đình Hào (quê Thanh Hóa) phát hiện thấy địch bị hỏa lực của ta chia cắt làm rối loạn đội hình địch, chớp thời cơ chỉ huy tiểu đội nhanh chóng diệt địch và chiếm lại toàn bộ chiến hào. Trong chiến đấu, một mình Hào đã ném 20 quả lựu đạn và thủ pháo, góp phần diệt 20 tên địch, buộc chúng cùng chiếc xe tăng còn lại vội tháo chạy ra xa. Tiểu đội trưởng Trần Văn Nhị chỉ huy 2 khẩu cối 60mm, phối hợp với trận địa pháo 82mm của tiểu đoàn, bắn dồn dập và chính xác vào đội hình của địch đang tháo chạy, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Cùng với hướng tấn công chính diện vào trận địa ta, quân địch bí mật cho một lực lượng chừng hai trung đội, lợi dụng bờ sông Nậm Rốm đánh vu hồi vào sườn trái trận địa của ta. Nhưng Đại đội trưởng Hội đã kịp thời lệnh cho Trung đội 8, do Trung đội trưởng Phan Văn Dũng chỉ huy, cùng với sự phối hợp hỏa lực của Trung đoàn chi viện, xuất kích đánh chặn đầu và khóa đuôi quân địch. Bị đòn phủ đầu bất ngờ, địch chống trả một cách yếu ớt rồi tháo chạy về căn cứ; một số tên hoảng loạn chạy lạc hướng về hậu cứ của Đại đội 53, lẩn trốn vào đúng bếp anh nuôi của đơn vị, bị ta tóm gọn. Thế là cả tuyến trước, tuyến sau, ta đều bắt được tù binh và lập chiến công lớn.

Đến 15 giờ 45 phút cùng ngày, trận đánh kết thúc. Ta bắt được một số tù binh, thu hàng chục khẩu súng các loại. 13 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba. Nhiều tập thể và cá nhân được đề nghị tặng Bằng khen…

Nguyễn Duy Cách