Lực lượng TNXP tham gia tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt, ngày 15-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày, phục vụ chiến dịch, lấy tên là: “Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương” tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đội cónhiệm vụ vận chuyển lương thực, súng đạn, sửa chữa cầu đường... phục vụ chiến dịch Cao Bắc Lạng. Ngày 15-7 hằng năm được lấy Ngày truyền thống của thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt và quan tâm, khuyến khích TNXP làm tròn nhiệm vụ của mình. Ngày ngày 20-3-1951, tại buổi nói chuyện với TNXP ở cầu Nà Cù, tỉnh Bắc Kạn, Bác Hồ tặng bài thơ nổi tiếng: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Bài thơ đã trở thành kim chỉ nam cho việc giáo dục, rèn luyện các thế hệ TNXP để có nghị lực phi thường, bản lĩnh kiên cường và luôn mang phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ cách mạng. Nhớ về sự kiện này, ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu TNXP cho rằng: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng TNXP được thành lập. Từ đó huy động được sức trẻ vào nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng CNXH ở miền Bắc và làm hậu phương lớn phục vụ cho miền Nam. Phải nói rằng, các lớp thanh niên đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình”.

Thực tiễn cho thấy, kể từ ngày thành lập và đi vào phục vụ chiến đấu, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn TNXP hy sinh quên mình trong lửa đạn; kiên cường, thông minh, sáng tạo, tham gia làm đường, phá bom nổ chậm, tải đạn, gánh thồ lương thực…

Trong ký ức của cựu nữ TNXP Lê Thị Phương Thảo - người từng phục vụ chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh luôn in đậm những năm tháng sống và chiến đấu trong điều kiện tính mạng luôn bị đe dọa, nhưng hàng vạn chị em TNXP, nữ quân nhân vẫn quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bám đường, bám trận địa. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh, của bom đạn, thiếu thốn về vật chất, phương tiện, bệnh tật… nhưng không thể làm nhụt ý chí của những người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm ấy. Bà bồi hồi kể: “Ở chiến trường Trường Sơn, chị em đã kề vai sát cánh cùng với các đơn vị bộ đội làm các nhiệm vụ, hứng chịu mọi sự đánh phá ác liệt nhất của kẻ thù. Đồng thời cũng chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhất là thời tiết giữa Đông và Tây Trường Sơn, bên này nắng bên kia mưa, mưa kéo dài dầm dề, chị em quần áo ít khi được mặc khô. Rồi ghẻ lở, sốt rét... nhưng chị em vẫn luôn hăng hái thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đường luôn thông suốt”.

Trên tuyến Đường 20 Quyết thắng, Đội TNXP 25 phải chống chọi với sự đánh phá rất ác liệt của địch, nhất là vào mùa xuân năm 1968. Trong thời gian này, bình quân mỗi người phải chịu đựng 125 quả bom cỡ lớn. Riêng trọng điểm cua chữ A do C5, thuộc Đội TNXP 25 đảm nhận, ngày cao nhất có tới 23 lần B52 đánh phá với trên 10.000 tấn bom… Với quyết tâm: “Máu chúng ta có thể đổ, nhưng đường chúng ta không thể tắc”, “Quyết tử cho cua chữ A quyết thông”, trong bất cứ hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt đến mức độ nào, C5 vẫn đảm bảo thông đường,thông xe.

Nhớ về khí thế của những ngày chiến tranh ác liệt đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Quế - Chủ tịch Hội cựu TNXP T.P Ninh Bình kể: “Ngày 13-7-1965, hơn 1.800 TNXP đầu tiên của tỉnh Ninh Bình bắt đầu vào tuyến lửa Trường Sơnđể làm nhiệm vụ mở đường. Đi mất 2 tháng, máy bay đánh phá ác liệt, nhiều đồng chí hy sinh. Chúng tôi chôn cất đồng đội sau đó lại tiếp tục đi. Vào đến chiến trường, nhiệm vụ gì phân công chị em chúng tôi cũng đều hoàn thành”.

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, trong suốt 4 năm từ 1965 đến 1969, phà Ghép là một trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Trung bình 1 ngày, giặc Mỹ ném xuống khu vực phà Ghép gần 10 tấn bom. Muốn vượt sông vào Nam, tất cả các loại phương tiện đều chỉ có thể di chuyển vào ban đêm, vì ban ngày rất dễ bị máy bay Mỹ phát hiện, bắn phá. Ông Nguyễn Văn Khoan - nguyên Đại đội phó kỹ thuật, TNXP Thanh Hóa nhớ lại: “Lực lượngđi làm nhiệm vụ ở bến phà Ghép phải có 3 hầm: Hầm ở lán trại, hầm ở đường và hầm ở hiện trường. Có 4 lực lượng làm nhiệm vụ ở đây với gần 1.000 TNXP. Phía Bắc bảo đảm 5km đường 1A, phía Nam là 4km qua Ghép”.

Chiến trường khó khăn, ác liệt là vậy, nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn luôn một lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc thắng lợi, trở về thời bình, họ tiếp tục cống hiến công sức dựng xây quê hương, đất nước. Thời hoa lửa đã đi vào ký ức của họ nay được truyền lại cho thế hệ trẻ để hiểu hơn về những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Qua những kỷ niệm hào hùng và bi thương đó, thế hệ hôm nay hiểu hơn về giá trị của hòa bình và càng thấm thía hơn sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước để dành lấy độc lập, tự do.  

Nguyễn Pháp