Chiếc giường “ngoại cỡ” Chủ tịch Fidel sử dụng trong thời gian nghỉ lại khu Giao tế.
Trung tuần tháng 9-1973, trong lần sang thăm Việt Nam, sau khi vào thăm Đặc khu Vĩnh Lĩnh, vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở lại thăm Quảng Bình; đêm 15-9 nghỉ lại khu Giao tế - Nhà khách của Tỉnh ủy ở xã Đức Ninh, cách thị xã Đồng Hới (nay là T.P Đồng Hới) 3km về phía tây.
Khu Giao tế được xây dựng từ năm 1954 để phục vụ phái đoàn Quốc tế vào giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam; về sau là nơi nghỉ ngơi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và khách Quốc tế vào thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Khu Giao tế Đức Ninh được bố trí trên một ngọn đồi nhỏ, rộng chừng 4 hécta; chia thành hai khu chính: Khu A dành cho khách trong nước và Khu B dành cho khách Quốc tế. Nhà trong khu Giao tế chủ yếu là nhà xây, mái ngói; có tường xây bao quanh khuôn viên. Năm 1970, lãnh đạo tỉnh quyết định xây dựng lại, nâng cấp khu Giao tế; công việc đang tiến hành thì Mỹ quay trở lại đánh phá Quảng Bình và toàn miền Bắc lần thứ hai, nên không thực hiện được như kế hoạch. Phải đến năm 1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, thì khu Giao tế mới được xây dựng lại. Với vai trò đặc biệt và là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nên năm 1998, khu Giao tế Quảng Bình được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Chủ tịch Fidel Castro là vị Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào thăm tuyến lửa Quảng Bình; chuyến thăm lại đột xuất, bất ngờ và tuyệt đối bí mật, nhưng mọi công tác chuẩn bị phục vụ khách được tiến hành hết sức chu đáo. Tuy vậy vẫn có một “sự cố” nhỏ mà nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh cũng như cán bộ, nhân viên khu Giao tế trước đây còn nhớ mãi.
Ông Nguyễn Thanh Đàm lúc bấy giờ là cán bộ của Tỉnh ủy Quảng Bình được phân công làm Chủ nhiệm khu Giao tế, nhớ lại việc chuẩn bị và phục vụ Chủ tịch Fidel với tất cả niềm vinh dự, xúc động: Sau khi nhận nhiệm vụ chuẩn bị phòng nghỉ, phục vụ Đoàn cán bộ cấp cao Cuba và Việt Nam nghỉ lại, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị từ hai đến ba ngày, cán bộ và nhân viên khu Giao tế vừa mừng vừa lo. Tuy đã phục vụ một số đoàn khách quốc tế, nhưng đây là lần đầu tiên khu Giao tế phục vụ Lãnh tụ một nước Tây bán cầu, phong tục cũng như thực đơn phục vụ khác khách phương Đông. Vì vậy, mọi việc từ công tác tổ chức đón tiếp, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chuẩn bị nơi nghỉ, nơi làm việc đều được tiến hành khẩn trương, hết sức cẩn thận.
Chiều ngày 14-9-1973, phòng nghỉ và làm việc của Đoàn công tác đặc biệt đã được chuẩn bị xong. Phòng nghỉ của Chủ tịch Fidel là phòng số 1, dãy nhà khu B. Trong phòng có bàn làm việc, tủ quần áo, giường ngủ có đệm xốp, trải ga trắng; có hầm tránh bom… Cán bộ Tỉnh ủy và Chủ nhiệm khu Giao tế kiểm tra trực tiếp từng chi tiết, đều rất hài lòng. Nhưng sau khi một đồng chí cán bộ đi tiền trạm của Đoàn kiểm tra, đã gặp riêng cán bộ Tỉnh ủy có ý kiến về chiếc giường chưa đảm bảo cỡ kích. Lập tức, đồng chí Nguyễn Thanh Đàm được gọi lên thông báo: Chiếc giường dành cho Chủ tịch Fidel mặc dù được đóng bằng gỗ gõ đỏ, đạt chất lượng tốt nhất khu Giao tế, chiều rộng 1,6 mét là ổn, nhưng chiều dài gần 2 mét là chưa đạt, phải sửa ngay…
Thực tình khi đóng chiếc giường này, mọi người đã tính đến chiều cao của Chủ tịch Fidel, nhưng không ai trong số chúng tôi nghĩ chiều cao của ông đặc biệt như vậy - ông Thanh Đàm bộc bạch. Tình thế không cho phép chần chừ, bởi ngày hôm sau đã đón khách. Ngay lập tức, phương án thay hai vai giường và toàn bộ giát giường được triển khai với yêu cầu mọi việc phải hoàn thành trước 10 giờ tối hôm đó. Trong điều kiện phương tiện liên lạc lúc bấy giờ rất khó khăn, ông Đàm đã bằng mọi cách tìm được ông Hồ Huân và một tốp thợ mộc có tay nghề cao, phụ trách kỹ thuật của Hợp tác xã Hồng Hải ở Cộn (nay thuộc phường Đông Sơn, T.P Đồng Hới) để sửa giường. Ông Huân cùng tốp thợ đốt đèn làm đến gần 10 giờ tối thì chiếc giường đảm bảo chiều kích như yêu cầu đã hoàn chỉnh. Nhìn chiếc giường “ngoại cỡ”, rộng 1,6 mét, dài 2,2 mét, bóng bẩy, vững chãi được đặt ngay ngắn trong phòng, mọi người mới yên tâm.
Hiện nay, chiếc giường “ngoại cỡ” cùng căn phòng với đầy đủ những đồ vật mà Chủ tịch Fidel sử dụng trong thời gian nghỉ lại khu Giao tế vẫn được lưu giữ, trở thành những kỷ vật quý giá của vị Lãnh tụ Cuba đối với đất và người Quảng Bình.
Duy Nguyễn