Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi chuyện CCB Lê Hồng Chiêm (bên phải) trong lần về quê năm 2004.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Xa quê lâu ngày, ai chẳng muốn về nhà thăm quê. Thế nhưng từ khi theo Bác Hồ lo việc nước, được Bác giao việc quân, nên lúc nào Đại tướng cũng bận...
Tuy nhiên, sâu nặng với quê hương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần về thăm Quảng Bình. Mỗi lần về, là một lần để lại những kỷ niệm và ấn tượng khó phai trong lòng cán bộ, nhân dân… Đại tướng đến đâu là mặn nồng tình yêu thương, với những lời dặn dò chân tình, sâu nặng. Trong tim ông luôn chỉ có một mong muốn, mong muốn: “Quảng Bình một thời nổi danh quê hương “Hai giỏi”, sẽ mãi vươn lên như ngọn “Gió Đại phong không ngừng thổi”.
Những CCB ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi Đại tướng sinh ra, lớn lên và đi làm cách mạng luôn có những ký ức rất sâu đậm về ông. Dưới gốc cây vú sữa trong sân Nhà lưu niệm Đại tướng bên dòng Kiến Giang thơ mộng, tôi gặp CCB Lê Hồng Chiêm. Ông Chiêm có hơn 30 năm ở chiến trường, từng dạn dày xông pha lửa đạn, nay tuổi đã cao và nhiều lần kể chuyện Đại tướng về thăm quê cho con cháu nghe, mỗi lần như thế ông đều dâng trào cảm xúc, không nói nên lời.
Ông Chiêm nói: “Tôi đã ba lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe tin ông về thăm quê, bà con trong thôn trong xã và lực lượng CCB đều háo hức đón chào từ rất sớm, hàng nghìn người đứng chờ ven bờ sông này. Bao giờ cũng vậy, CCB thôn An Xá quân phục chỉnh tề, được vinh dự đứng đầu đội hình đón Bác Giáp. Sau khi đi bắt tay một vòng các tầng lớp nhân dân và CCB, thấy tôi có vóc người nhỏ nhắn lại đeo nhiều huân huy chương nên Đại tướng đến bắt tay và hỏi chuyện. Tôi quá bất ngờ và xúc động nên không nói được gì nhiều, chỉ chúc Đại tướng mạnh khỏe. Lúc ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn một điều và tôi luôn ghi nhớ: CCB ở đâu, làm gì cũng phải luôn gương mẫu, là CCB trên quê hương Lệ Thủy anh hùng thì càng phải gương mẫu hơn. Tuổi già cần làm nhiều việc tốt cho con cháu noi theo. Nói rồi Đại tướng bảo tôi lại gần hơn để chú phóng viên chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm. Tấm ảnh vô giá này tôi đã phóng to và gìn giữ nhiều năm. Mấy trận lũ trước và đợt lũ cuối năm 2020 làm nhiều tài sản trong nhà bị trôi nhưng rất may khung ảnh này gác trên cao nên không sao...”. Cuộc nói chuyện với ông Chiêm bị ngắt nhiều lần vì ông quá xúc động không nói nên lời.
Đối với CCB Trần Xứ thì lại khác. Là người lính Công binh nhiều năm phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở chiến trường B, C; năm 1972 học Trường sĩ quan, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 rồi phục viên chuyển ngành năm 1977. Năm 1990, nghỉ hưu về quê hương; Hội CCB xã được thành lập, ông tham gia làm Chi hội trưởng CCB thôn An Xá, xã Lộc Thủy nhiều năm liền.
CCB Trần Xứ kể: “Trong đời tôi có vinh dự 5 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên vào năm 1962, tôi chưa nhập ngũ và tham gia đội sản xuất ở quê. Khi tôi đang vẽ biểu đồ theo dõi tiến độ thu hoạch lúa thì hai vợ chồng Đại tướng đến thăm HTX. Không khí đập lúa rộn ràng, xã viên tươi cười bắt tay chào hỏi Đại tướng như người thân lâu ngày trở về. Đại tướng thấy quê hương được mùa thóc lúa, rất phấn khởi, ông chăm chú nhìn tấm biểu đồ, xoa đầu khen tôi còn trẻ mà đã làm Đội trưởng sản xuất lại còn vẽ đẹp nữa, rồi Đại tướng động viên HTX cố gắng đuổi kịp Đại Phong. Lần thứ hai khi tôi đi bộ đội về, được bầu làm Chi hội trưởng CCB thôn, kiêm luôn việc trông giữ chùa An Xá, nơi tổ chức Hội nghị cán bộ Đảng của tỉnh chuẩn bị cho khởi nghĩa tháng 8-1945, là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tôi thường xuyên chăm sóc nên chùa sạch sẽ. Khi Đại tướng ghé thăm chùa, Đại tướng khen: “Chùa làng mình đẹp hè”. Rồi ông bảo chụp chung một kiểu ảnh làm kỷ niệm. Lần thứ ba khi tôi làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, cùng lãnh đạo xã ra Hà Nội mừng thọ Đại tướng 100 tuổi, ông bắt tay và nói vui: “Chủ tịch Hội Người cao tuổi mà còn trẻ hè”. Những lần sau Đại tướng về quê, thăm Hội CCB huyện Lệ Thủy, tôi đều được tham gia, nghe lời ông dặn dò lực lượng CCB huyện, càng khắc sâu và thực hiện ngày càng tốt hơn”.
Dòng sông Kiến Giang quê hương của Đại tướng không lớn, nhưng chứa đựng bao kỷ niệm của Đại tướng lúc ấu thơ cũng như tuổi già. Mỗi lần về thăm quê, ông đều ra bờ sông hóng mát, nghe điệu hò khoan êm đềm sâu lắng trên sông. Ông căn dặn lãnh đạo và nhân dân huyện luôn giữ cho dòng sông mãi trong xanh, cảnh quan sạch đẹp để không khí trong lành và bà con đứng hai bên bờ thoải mái cổ vũ cho Lễ hội bơi thuyền hằng năm vào dịp Quốc khánh 2-9… Năm 2002, Đại tướng về thăm quê trước Tết Độc Lập 10 ngày. Huyện Lệ Thủy tổ chức đua thuyền sớm hơn mọi năm để đón Đại tướng. Năm ấy, hàng vạn người dân đổ về xem, mọi người còn nhớ như in hình ảnh Đại tướng đứng trên thuyền máy vẫy tay chào mọi người. Đến đâu bà con cũng hô vang: “Hoan hô Đại tướng !”.
Trên bến sông này, tôi gặp CCB Đinh Thị Thu Hiệp. Năm 1970, bà Hiệp là cô TNXP còn trẻ nhưng rất gan dạ, được giao phụ trách “Trung đội thép” thông đường ở khu vực đèo Đá Đẽo và ngầm Khe Rinh. Nhiều lần tắm mưa gội đạn, lấy thân làm cọc tiêu sống cho xe qua ngầm, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, cô được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1972.
Bà Hiệp nhớ lại: “Đầu năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đồng Sĩ Nguyên – Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thị sát tuyến đường Trường Sơn, thăm các đơn vị bộ đội và TNXP trên tuyến đường 20 và 15A. Tới cung đường do C35 của bà Hiệp phụ trách, thấy cây cối bị bom Mỹ phát quang cháy trụi, đường sá bị cày xới không còn hình thù, cuộc sống đầy gian khổ hiểm nguy, nhưng TNXP vẫn kiên cường bám trụ, Đại tướng rất xúc động. Đến gần tôi, Đại tướng bắt tay rồi động viên, khen ngợi những cô gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn”.
Bà Hiệp còn nhớ mãi câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất và truyền thống cao đẹp ấy bà Hiệp luôn gìn giữ và phát huy.
Năm 2019, tôi gặp lại bà trong Đại hội thi đua “CCB gương mẫu” của Hội CCB huyện Minh Hóa, bà vẫn kể những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm xúc động và rất đỗi tự hào.
Bài và ảnh: Xuân Vui