Nhân viên giới thiệu sản phẩm cho khách hàng thông qua mạng xã hội.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, chuỗi cung ứng cung cầu đang bị đứt gãy, việc bán hàng trực tuyến qua mạng giúp khách hàng tiếp cận được với các sản phẩm có chất lượng và các chủ thể sản xuất vẫn thực hiện được việc truyền thông, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội

Đầu tháng 6-2021, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.P Hà Nội phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”. Chương trình triển khai nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND T.P Hà Nội về các giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh an toàn, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển KTXH.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới T.P Hà Nội cho biết: Sự kiện được triển khai nhằm hỗ trợ thiết thực các chủ thể OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá các sản phẩm OCOP tiếp cận với công nghệ số và thương mại điện tử bằng hình thức bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội. Từ đó, giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đây là sự kiện có giá trị và ý nghĩa cho xã hội, hứa hẹn mang lại nhiều câu chuyện thú vị, nhiều sản phẩm hấp dẫn đến công chúng.

Nhiều sàn thương mại điện tử Việt Nam mở bán vải thiều Bắc Giang.

Thay vì phải "giải cứu" nông sản một cách bị động và dễ gây tổn thương đến người nông dân như trước đây, các chủ thể kinh doanh, Ngành Nông nghiệp cần chủ động chia sẻ, kết nối và lan tỏa những giá trị nông sản Việt thông qua kênh phân phối trực tuyến. Tại đây, các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản sẽ trực tiếp giới thiệu những đặc sản OCOP, quy trình sản xuất, chế biến an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phía khách hàng được mua sản phẩm trực tiếp của các chủ thể thông qua trực tiếp qua mạng xã hội. Trên cơ sở này, cơ quan chức năng đánh giá, tham mưu với lãnh đạo T.P Hà Nội, T.Ư, cách thức tổ chức để các chủ thể sản xuất sản phẩm an toàn, bền vững gắn với thị trường.

Lần đầu tiên tham dự ngày hội bán hàng trực tuyến, doanh nhân, CCB Đinh Văn Minh - Giám đốc Công ty CP thương mại chế biến thực phẩm sạch, T.P Hà Nội cho biết: Được hỗ trợ từ Ban Tổ chức cả trong công tác truyền thông cũng như lên kịch bản để có thể tương tác tốt nhất với khách hàng, do đó, chúng tôi cố gắng, tự tin truyền tải thông điệp, thông tin sản phẩm của mình một cách tốt nhất để kết nối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Trước kia, các chương trình quảng bá được doanh nghiệp tiến hành theo hình thức trực tiếp, thậm chí mời các đối tác xuống tận cơ sở sản xuất, chăn nuôi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do bối cảnh dịch bệnh, việc tiếp cận khách hàng là vô cùng khó, do đó, các hình thức bán hàng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội chia sẻ giá trị sản phẩm, đồng thời tiếp cận đến với hàng nghìn khách hàng.

Vải thiều Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐTKTS), từ đầu tháng 6, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart,... với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” của Bộ Công thương, do Cục TMĐTKTS chủ trì. Các sàn thương mại điện tử cam kết tiêu thụ từ 8.000-9.000 tấn vải, tương ứng khoảng 5% tổng sản lượng.

Trước đó, Cục TMĐTKTS được Bộ Công thương giao là đơn vị đầu mối chủ trì, triển khai gấp rút Chương trình hỗ trợ bà con Bắc Giang tiêu thụ đặc sản vải thiều Lục Ngạn đến người dân cả nước thông qua thương mại điện tử. Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố...

Trong ngày mở bán, bà con nông dân Bắc Giang phát trực tiếp, quay hình ảnh quả vải để bán hàng qua mạng xã hội. Hàng triệu người trên cả nước được xem những quả vải Bắc Giang hấp dẫn, những vườn vải chín đỏ và quy trình thu hoạch vải. Vải được bán qua sàn là vải được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và cấp chứng nhận OCOP.

Sau khi khách chốt đơn trên sàn, vải mới được hái xuống tại vườn, đóng vào thùng xốp giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và theo xe lạnh tỏa về các địa phương. Tất cả trong vòng không quá 48 giờ, diễn ra dưới dự hỗ trợ của đội ngũ của sàn, đảm bảo vải đến nơi vẫn giữ đủ độ tươi ngon nổi tiếng của vải Bắc Giang. Chương trình lần này được tổ chức với sự phối hợp từ Cục TMĐTKTS, Sở NNPTNT và Sở Công thương tỉnh Bắc Giang.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Vải thiều chính vụ được thu hái từ ngày 10-6 đến 20-7. Lúc đó, vải đạt chất lượng tốt nhất. Để mua được đặc sản chất lượng cao, giải pháp hàng đầu của người tiêu dùng là tìm đến những đơn vị phân phối uy tín, được xác nhận bởi Bộ TTTT cùng Bộ Công thương. Trong đó, sàn thương mại điện tử là một kênh bán hàng được ưu tiên vì có khả năng cung cấp sản phẩm với quy trình khép kín, sạch khuẩn, đảm bảo nguyên vẹn vị tươi ngon của đặc sản vải thiều khi đến tay người tiêu dùng.

Võ Hóa

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)