Hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome đòi hỏi khoản chi phí khổng lồ hàng nghìn tỷ USD.

Tham vọng tái hiện kịch bản “chiến tranh giữa các vì sao” lại xuất hiện khi Mỹ lên kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa trong vũ trụ nhằm giành ưu thế chiến lược trước các đối thủ Nga, Trung Quốc…

Tham vọng giành ưu thế chiến lược

Tuần trước, Quốc hội Mỹ đã đề xuất gói chi tiêu quốc phòng trị giá 150 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là khoản đầu tư ban đầu lên tới 27 tỷ USD dành riêng cho dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên “Golden Dome” (Vòm Vàng) để bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công hạt nhân. Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ - Mike Rogers tuyên bố, sẽ nhanh chóng đưa dự luật này qua vòng xem xét đầu tiên tại Ủy ban ngay trong tuần này để trình lên Tổng thống phê chuẩn càng sớm càng tốt.

Ý tưởng cho ra đời “Golden Dome” phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng của Mỹ về năng lực của các đối thủ quân sự trong việc phát triển và triển khai tên lửa tiên tiến, những vũ khí đòi hỏi cần có hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn để đối phó. Theo tính toán của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng), hiện nay các mối đe dọa với Mỹ đã có nhiều thay đổi. Nga đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hạng nặng mới cùng tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc cũng có những bước tiến vượt bậc trong phát triển vũ khí siêu thanh. Trong khi đó, quy mô kho vũ khí hạt nhân của các đối thủ đã vượt xa khả năng phòng thủ của Mỹ.

Chính vì thế, ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã ký ngay sắc lệnh hành pháp, chỉ đạo quân đội lên kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa thế hệ mới. Theo ông Donald Trump, các mối đe dọa từ một cuộc tấn công bằng tên lửa và các cuộc tấn công trên không tiên tiến khác “vẫn là mối đe dọa thảm khốc nhất mà Mỹ phải đối mặt”.Với công nghệ mới nhất được tích hợp, ông Donald Trump hy vọng “Golden Dome” sẽ giúp ngăn chặn các mối đe dọa nhằm vào Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình bắn từ tàu ngoài khơi, tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, các cuộc tấn công từ thiết bị bay không người lái và tên lửa siêu vượt âm. Hiện không chỉ bảo vệ nước Mỹ, “Golden Dome” còn bảo vệ cả các tài sản của Mỹ trên toàn thế giới. Đây là cú nhảy vọt giúp Mỹ tạo ưu thế chiến lược với Nga và Trung Quốc.

Dưới góc độ kỹ thuật, “Golden Dome” là hệ thống phức tạp với “trái tim” là mạng lưới dầy đặc các vệ tinh trên quỹ đạo quanh trái đất. Nhóm vệ tinh thứ nhất được trang bị các radar hình ảnh và các cảm biến rất nhạy, có khả năng theo dõi “mạng lưới vạn vật” tấn công của đối phương - thuật ngữ dành mô tả các phương tiện như tàu vận chuyển tên lửa, máy bay ném bom, tàu chiến… có thể mang tên lửa tấn công vào Mỹ. Nhóm vệ tinh thứ hai với cáctên lửa đánh chặn hoặc vũ khí laser sẽ có nhiệm vụ vô hiệu hóa các tên lửa hoặc các phương tiện tấn công khác của đối phương. Như vậy, “Golden Dome” sẽ bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công, trong khi vẫn duy trì khả năng tiến hành các đòn trả đũa.

Nhiệm vụ phức tạp này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các lực lượng chính của quân đội Mỹ, bao gồm Không quân, Hải quân, Lục quân, Lực lượng không gian, Cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA) và Văn phòng trinh sát quốc gia.Theo tiết lộ của quan chức Mỹ, Lầu Năm Góc đã nhận được sự quan tâm từ hơn 180 công ty muốn tham gia phát triển và xây dựng “Golden Dome”.Trong đó, liên minh gồm công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk cùng hai đối tác khác là Palantir và Anduril được coi là ứng viên hàng đầu cho nhiệm vụ này.  

Những ý tưởng viển vông

Nhiều hy vọng đang được đặt vào kế hoạch cho ra đời “Golden Dome” của ông Trump. Tuy nhiên, dù được quảng bá rầm rộ nhưng dư luận vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính thực tiễn của tham vọng này.  

Trước hết, kế hoạch của ông Trump thực tế là tham vọng hồi sinh “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) của cựu Tổng thống Ronald Reagan, còn được gọi là “Star wars” (tạm dịch là Chiến tranh giữa các vì sao). Khi công bố SDI vào năm 1983, ông Reagan cũng từng hy vọng tạo ra một lá chắn tên lửa có thể thay đổi mô hình răn đe của nước Mỹ. Với hệ thống cảm biến, vũ khí năng lượng định hướng như laser, các hệ thống đánh chặn từ không gian và các hệ thống khác, SDI được cho là sẽ cách mạng hóa nhiệm vụ phòng thủ trong kỷ nguyên hạt nhân, cho phép vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô trước khi chúng vươn tới Mỹ. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, tiêu tốn hơn 30 tỷ USD mà không đem lại kết quả khả quan nào, SDI đã âm thầm bị gác lại.

Thêm vào đó, hơn 3 thập niên kể từ khi SDI bị hủy bỏ, dù đã đạt nhiều bước tiến về công nghệ, Mỹ vẫn chưa chắc giải quyết được những thách thức mà “Golden Dome” đặt ra. Xét về tính năng và thành phần cấu thành, “Golden Dome” là sự nâng cấp lên một tầm mới của hệ thống đánh chặn tên lửa và rocket “Iron Dome” (Vòm Sắt) mà Mỹ trợ giúp Israel xây dựng. Được triển khai từ năm 2011,“Iron Dome” đã thể hiện khả năng thực chiến khá hiệu quả, phát hiện và tiêu diệt hầu hết các tên lửa của Iran và các nhóm vũ trang Hamas, Hezbollah, Houthi ở Trung Đông phóng vào Israel.

Tuy nhiên, phạm vi bảo vệ của “Iron Dome” trên lãnh thổ Israel nhỏ hơn 400 lần so với các mục tiêu mà “Golden Dome” phải bao phủ. Ngoài ra, “Iron Dome” được thiết kế để đối phó với các loại tên lửa tầm ngắn và di chuyển chậm. Trong khi đó, đối thủ của “Golden Dome” là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ, đầy uy lực, nhanh chóng vươn tới tầng cao khí quyển rồi lao xuống trái đất với tốc độ siêu thanh. “Đó là sự khác biệt giữa thuyền kayak và tàu chiến”, ông Jeffrey Lewis - giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ), nhận xét.

Cuối cùng, dù kế hoạch của ông Trump được cho là thực tế hơn nhiều so với SDI nhờ những tiến bộ công nghệ đáng kể so với thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhưng theo ông Tom Karako - chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, phòng thủ tên lửa hạt nhân cực kỳ khó khăn ngay cả khi có một lá chắn tên lửa hoạt động. Theo tính toán của ông Karako, nếu đối thủ quyết định phóng 1.000 đầu đạn hạt nhân vào Mỹ, sẽ chẳng có lá chắn nào đủ sức chống đỡ. Còn theo ông Todd Harrison - thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, để có thể bắn hạ thành công 1 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sẽ cần khoảng 950 tên lửa đánh chặn trên quỹ đạo. Như vậy, khi đối thủ phóng 10 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Mỹ sẽ phải cần gần 10.000 tên lửa đánh chặn. Chi phí sẽ là con số khổng lồ hàng nghìn tỷ USD.  

Ông Hans Kristensen - chuyên gia về vũ khí hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, thì gọi kế hoạch của ông Trump là “SDI 2.0”, mô tả tầm nhìn này như “một sự kết hợp giữa các khả năng hiện có, những khả năng mới và những ý tưởng viển vông”. Còn ông Ankit Panda - chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho biết: Mục tiêu làm cho Mỹ không thể bị tổn hại trước cuộc tấn công bằng tên lửa “vẫn chỉ là một ảo tưởng và nó có thể dẫn đến những khoản chi tiêu bất tận và một cuộc đua vũ trang”.  

Tiến Thành