Trần Đăng Khoa:

Khiếp! Nghe cháu nói, chú hãi đến sởn da gà. Nhà thơ thì cũng chỉ là một người bình thường, như hàng trăm ngàn người khác thôi. Và cũng như mọi người, họ cũng có tính tình, sở thích khác nhau. Có người nhu mì, có người nóng tính, có người lơ đễnh. Người lơ đễnh nhất làng văn là cụ Lưu Trọng Lư.

Chuyện này, chú nghe cụ Lư bà kể lại. Chuyện cụ Lư bà kể thì có thể tin được. Cụ Lư bà là một hoa khôi của kinh thành Huế xưa, cụ đẹp lắm. Đến tuổi 70, cụ vẫn rất đẹp. Cứ như lời cụ, thì có lần, nhà thơ Lưu Trọng Lư đưa con đi khám bệnh, đến lúc làm thủ tục, bác sĩ hỏi nhà thơ tên cháu bé. Nhà thơ lúc ấy, hình như đầu óc đang chu du ở trên mấy tầng trời, nên quên béng mất tên con. Nhà thơ lại chỉ vào thằng cu mà hỏi: “Này, thế tên mày là gì?”.

Chỉ có cụ Lư đãng trí thế thôi. Còn thì nhiều bác tỉnh táo lắm, lái xe, kinh doanh đều giỏi. Chẳng có ai tơ lơ mơ đâu. Còn khi làm thơ, mỗi người lại có một cách viết riêng, tuỳ theo thói quen. Có bác trước khi làm thơ, cứ phải nhắp tí rượu, có bác làm cốc cà phê. Có bác lại “bắn” mấy điếu thuốc lào. Có bác chẳng cần bất cứ một thứ xúc tác nào cả, cứ đặt tờ giấy trắng lên đầu gối, viết nhoáy cái là xong.

Chú không biết uống rượu. Cả bia cũng thế. Chú cũng sợ cả thuốc lá. Khi cần viết thì chú viết thôi. Chú làm thơ cũng giản đơn như người ta cuốc đất.

Không phải cứ uống thật nhiều rượu thì mới có thơ hay và mới thành được nhà thơ. Nếu rượu làm thành nhà thơ, thì nhà thơ lớn nhất Việt Nam phải là ông... Chí Phèo. Ông Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao lúc nào cũng say khướt, say đến mức, lão thấy cái bóng của lão cứ quật nhau uỳnh uỵch dưới chân lão. Rồi có lần lão đến nhà Tự Lãng uống rượu, uống say khướt, cả hai con ma men bò lồm cồm trên sân như cua, rồi lão nắm râu Tự Lãng, vếch mặt Tự Lãng lên trăng mà hỏi: Người ta đứng lên bằng cái gì? Theo chú, đây là một trong những câu văn hay nhất của đời văn Nam Cao và cụ Nam Cao cũng chỉ mượn cái hơi rượu của Chí mà nói ra thôi.

TĐK