Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, chưa dạy về sử dụng mạng an toàn.
Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” được phát động trong tháng hành động vì trẻ em (từ ngày mùng 1 đến 30-6), nhiều nội dung liên quan đến chủ đề này đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Ông Lê Duy Hưng Thịnh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, tỷ lệ người trẻ sử dụng điện thoại và thiết bị kết nối internet chiếm khoảng 69,9%, trong đó, 90% giới trẻ đô thị có ít nhất một tài khoản mạng xã hội; dù ở khu vực miền núi, vùng giáp biên, tỷ lệ thanh niên DTTS được tiếp cận với internet, mạng xã hội có thấp hơn so với các khu vực khác, nhưng đây lại chính là đối tượng và khu vực có “sức đề kháng yếu” và dễ bị “tổn thương” nhất. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Rất đông trẻ em trong độ tuổi đến trường đến quán internet, nhưng hầu như các em đều sử dụng máy tính cho mục đích chơi game online, vào facebook, xem phim bạo lực... Để có tiền chơi game, nhiều em đã lấy trộm tiền của cha mẹ, trộm bắp, sắn, cà phê, cao su… trong nhà đem đi bán, lấy tiền chơi game. Khi có tiền, có em nạp hàng trăm nghìn đồng vào tài khoản máy tính trong khi gia đình mình lại thuộc diện hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua internet, nhiều trẻ em đã quen biết và trở nên thân thiết với nhau. Tuy nhiên, đằng sau những giá trị tích cực ấy, môi trường mạng đang tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em, như: những thông tin bạo lực, tình dục… không phù hợp với lứa tuổi. Thậm chí, nhiều trẻ em đã mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone... Điều này làm gia tăng bệnh lý tăng động, mất tập trung, tự kỷ, chậm giao tiếp... ở trẻ.
Theo lời Đại biểu Quốc hội - Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định): “Nếu chúng ta không kiểm soát được việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ em thì không khác gì chúng ta để con em chúng ta đi bụi đời trên mạng xã hội và sẽ có một cuộc sống ảo lệch lạc. Chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em mà không ít trong số đó sẽ có lối sống trái với chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Chúng ta không thể và không nên ngăn chặn trẻ em truy cập, sử dụng internet, nhưng để con em mình có sức đề kháng trước thời đại công nghệ số thì đòi hỏi bản thân cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số.
Ngọc Tuấn