Những ngày này, dư luận cả nước cũng như thế giới đang đặt nỗi lo lớn vào dịch cúm A/H1N1 trong khi công tác phòng chống dịch ở Việt Nam đang đặt ở mức báo động cao do đang phải đương đầu với nhiều loại dịch bệnh. Dịch cúm A/H1N1 với những diễn biến phức tạp, khó lường đang đặt các cơ quan chức năng và người dân cả nước ta trước nhiệm vụ đột xuất mới: Khẩn cấp chống dịch cúm A H1N1 ở mức báo động.

Dịch cúm A/H1N1 đang diễn ra ở Mê-hi-cô và Mỹ, đã làm hơn 4.000 người mắc và có 103 người bị chết vì bệnh này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nâng cấp báo động dịch cúm A/H1N1 trên người lên cấp 4, có nghĩa là virút đã lây nhiễm từ người sang người và có thể gây ra những ổ dịch lớn. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, việc WHO nâng dịch bệnh này lên cấp 4 đòi hỏi các quốc gia (trong đó có Việt Nam) phải chủ động và quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh như: bắt buộc cách ly, hạn chế đi lại, yêu cầu đóng cửa các khu vực công cộng. Với nước ta, cùng với các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai, Ban chỉ đạo chống dịch cúm ở người sẽ tăng cường hoạt động từ cấp T.Ư đến cơ sở, tăng cường kiểm soát các nguồn lây bệnh từ khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là kiểm tra giám sát dịch tễ kỹ càng tại các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), Nội Bài (Hà Nội)...

Phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 hiện nay đang ở mức báo động, không chỉ là công việc của các cơ quan, các ngành chức năng mà là công việc của mỗi một người chúng ta, từ người sản xuất, chăn nuôi cho đến người kinh doanh, vận chuyển, giết mổ và những người tiêu dùng, cần tuân thủ nghiêm những quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý chức năng mà trước hết là khâu đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, an toàn, găng tay, khẩu trang, phun thuốc khử trùng khi dịch bệnh xảy ra... Về ý thức người dân, cần tránh hai khuynh hướng lệch lạc, một hướng do chủ quan nghĩ dịch ở đâu đâu xa lắm không ảnh hưởng trực tiếp đến mình nên không phòng mà cũng không chống để đến khi dịch bệnh xảy ra thì không kịp chạy; một hướng khác là quá cẩn thận gây hoang mang. Ngày 28-4 vừa qua, Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát đề nghị, người dân không nên quá hoang mang với việc sử dụng thịt lợn bởi hiện nay, thịt lợn trong nước vẫn đang trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì phải nấu chín kỹ trước khi dùng cũng như thực hiện đầy đủ những biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và không nên mua các loại thịt có biểu hiện nhiễm bệnh. Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn, quy định của cơ quan quản lý chức năng, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh đến mức cao nhất những nguy cơ có thể xảy ra từ đại dịch cúm A/H1N1.

Cảnh giác cao độ và có thái độ tích cực trước nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1 trên người đang là yêu cầu cấp thiết của mỗi người dân của các cơ quan chức năng lúc này, có vậy chúng ta mới phòng chống tốt được dịch bệnh, đảm bảo tốt sức khoẻ người dân.

Thanh Huyền