Ngày 4-5-2015 Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 13/BDT-TTR “v/v chuyển đơn giải quyết theo thẩm quyền” và ngày 11-5-2015 Ban Nội chính tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 510/BNC “v/v báo cáo tình hình rừng phòng hộ tại Tiên Yên”; chuyển đến các cơ quan chức năng và UBND huyện Tiên Yên. Cần nhấn mạnh - mùa mưa năm ngoái, do tình trạng “cạo trọc rừng” là nguyên nhân chính khiến ngày 30-10-2014, hồ Đầm Hà Động có diện tích mặt nước rộng 3.200 ha, thuộc huyện Đầm Hà (địa phương liền kề với huyện Tiên Yên) đã vỡ trên 100m thân đập, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng - là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với hệ thống hồ đập, nhất là các hồ đập thuộc khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 20-5-2015 UBND huyện Tiên Yên đã tổ chức đối thoại với các đại diện: UBND xã Tiên Lãng; Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên (đương sự bị khiếu nại) và 4 gia đình có hợp đồng nhận rừng khu vực hồ Đá Lạn (người khiếu nại). Qua đó UBND huyện Tiên Yên quyết định “Giao Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND xã Tiên Lãng, Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên, kiểm tra hiện trường để hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, tại khu vực hồ Đá Lạn trong tháng 6-2015.
Vậy “lịch sử” và thực trạng của rừng phòng hộ hồ Đá Lạn thế nào?
Ông Hà Văn Bảo trưởng thôn Xóm Nương (nơi có hồ Đá Lạn) cho biết: “Trước kia đây là khu rừng nguyên sinh phòng hộ, ken chặt các loại cây lim, sến, dẻ… toàn các loại nhóm 1, nhóm 2… hầu hết cây to, hai người ôm không xuể. Khoảng năm 2004 cơ quan chuyên ngành đã đúc cột bê tông, đánh dấu địa giới, nhằm bảo vệ khu rừng nguyên sinh này của hồ. Toàn xã Tiên Lãng có 8 thôn, hồ Đá Lạn ảnh hưởng đến 4 thôn (thôn Xóm Nương, thôn Thác 72, thôn Đồng Mạ và thôn Đồng Châu). Nếu vỡ đập hồ Đá Lạn, hai thôn bị nguy hại nhất, là thôn Xóm Nương có 437 hộ và thôn Thác 72 có 180 hộ dân. Đồng thời, ngay dưới “dòng chảy” của hồ Đá Lạn, còn có Trường Nội trú Dân tộc của huyện đang xây, với quy mô lớn”.
Đối với các khu dân cư nêu trên của xã Tiên Lãng, ngày 20-5-2015, UBND huyện Tiên Yên có văn bản ghi rõ “phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn để kiểm tra, rà soát các điều kiện về chính sách dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đối với các hộ dân và triển khai thực hiện khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Nếu đủ điền kiện thì đề xuất chương trình di dân tái định cư, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân”
Làm việc với các hộ trước kia được nhận rừng phòng hộ khu vực hồ Đá Lạn, tôi được biết, ngày 20-1-1995, 4 gia đình dân tộc Tày, tiên phong ký hợp đồng với ông Mai Quang Ý, Giám đốc Lâm trường huyện Tiên Yên, nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, thời hạn 50 năm. Cả 4 gia đình đều ở thôn Xóm Nương và đặc biệt đều là 4 gia đình liệt sĩ: Hoàng Văn Pẩu (26 ha); Ngô Văn Long (19 ha); Mã Văn Đạt (26,5 ha); Bế Văn Lưu (26 ha).
Đây là loại rừng 2A1, sau khi có hợp đồng giao đất khoán rừng, các gia đình đã trồng hàng chục vạn cây dược liệu dưới tán cây rừng; việc thu hái dược liệu, đốn hạ cây khi rừng quá rậm, chỉ được phép chặt tỉa với tỷ lệ 20%, để đảm bảo độ dày cho rừng phòng hộ. Hợp đồng ghi rõ “quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình nhận đất khoán rừng, được hưởng theo chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước và theo tinh thần dự án 327 của lâm trường”. Những năm đầu, diện tích rừng nhận khoán được bảo vệ tốt, các gia đình trên được hưởng những lợi ích từ rừng, qua việc nghiệm thu và thanh lý hợp đồng của Lâm trường huyện Tiên Yên, cho các hộ được giao đất khoán rừng. Có năm, mỗi gia đình được nhận 400.000 đến 500.000 đồng.
Nhưng từ khi Lâm trường huyện Tiên Yên, nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên (Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên) có giám đốc mới, việc quản lý rừng phòng hộ hồ Đá Lạn bị đảo lộn. Trên 140 ha rừng nguyên sinh với những cây gỗ lớn, bị cưa, bán kiếm lời. Không được báo trước, hàng chục vạn cây dược liệu (mã kích, hương bài, kim tiền thảo, hà thủ ô…) với vốn đầu tư hàng chục triệu đồng, trồng dưới tán cổ thụ của các hộ nhận bảo vệ rừng, bị Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên huy động hàng trăm lao động đốt, phá sạch, trong thời gian ngắn, gây thiệt hại kinh tế các gia đình hết sức nặng nề.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên có văn bản đề nghị chuyển rừng phòng hộ hồ Đá Lạn thành rừng sản xuất. Trên cơ sở đó, ngày 28-12-2009 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, có Quyết định nội bộ số 500/QĐ- NN&PTNT, phê duyệt dự án thiết kế trồng rừng sản xuất, rộng 140 ha ở khu vực hồ Đá Lạn, với vốn đầu tư 231 triệu đồng.
Trước nguy cơ suy kiệt nguồn sinh thủy, ngày 24-12-2009, ông Vũ Nhâm Phó chủ tịch UBND xã Tiên Lãng, có văn bản số 03/VBDN-UB đề nghị UBND huyện Tiên Yên giữ lại khu rừng phòng hộ hồ Đá Lạn, giao cho nhân dân trong xã coi sóc, theo biện pháp khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ cộng đồng trước kia, để có nguồn nước tưới cho 135 ha trồng lúa, trên địa bàn xã Tiên Lãng. Vừa thành rừng sản xuất, lập tức diện tích rừng phòng hộ ở đây biến thành đồi trọc, gây hậu quả tức thời. Ngày 2-2-2010 ông Vũ Hùng Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Yên có công văn số 47/UBND gửi Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên, ghi rõ “đối với diện tích rừng khoảnh 3 và khoảnh 5 tại Tiểu khu 256, khu vực hồ Đá Lạn, do Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên quản lý, đề nghị Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên thực hiện khoanh nuôi bảo vệ, phục hồi rừng phòng hộ để tạo nguồn sinh thủy cho hồ Đá Lạn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn”. Thế nhưng công văn 47/UBND của UBND huyện Tiên Yên, đã bị Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên phớt lờ.
Đến nay, rừng sản xuất trồng keo tai tượng quanh khu hồ Đá Lạn của Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên đến kỳ khai thác. Trên đầu nguồn hồ, cả khoảnh núi yên ngựa rộng đến nghìn ha, đã biến thành đồi trọc sau vụ thu hoạch gỗ rừng trồng vừa qua. Trước nguy cơ cây rừng quanh hồ bị “cạo trọc”, thân đập có thể bị vỡ trong mùa mưa sắp tới, gây hiểm họa cho các hộ dưới chân đập ở thôn Xóm Nương và thôn Thác 72; 4 gia đình nhận nuôi trồng rừng theo Hợp đồng giao đất khoán rừng ngày 20-1-1995, đã kiến nghị việc phục hồi rừng phòng hộ như trước kia quanh địa bàn xung yếu hồ Đá Lạn.
Trong buổi đối thoại ngày 20-5-2015 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đề nghị: Xem xét quyền lợi chính đáng của các hộ dân ký hợp đồng, tại thời điểm đầu năm 1995. UBND huyện Tiên Yên quyết định trình UBND tỉnh Quảng Ninh và cơ quan chức năng, đề nghị quy hoạch, khôi phục lại rừng phòng hộ khu vực hồ Đá Lạn. Điều này đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân huyện Tiên Yên về tái tạo rừng phòng hộ hồ Đá Lạn, khôi phục tầng thực bì sinh thủy, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho đồng ruộng nơi đây.
Trọng Khang