Già làng Bàn Văn Lý (thứ ba, từ trái sang) hướng dẫn con cháu cách phòng trừ sâu bệnh cho quế
Đến trụ sở UBND xã thì mưa ngớt dần…Chuyện nọ, chuyện kia rồi chẳng bằng đi thực địa. Theo sự chỉ dẫn của anh Bàn Hữu Huyện-Chủ tịch Hội CCB xã Viễn Sơn, chúng tôi đến các bản Khe Qué, Đồng Lụa, Tháp Cái, Khe Dứa quanh những cánh rừng quế xanh bạt ngàn. Đi bộ thế mà hay, đất dính bê bết vào chân nhưng lại biết thêm bao chuyện. Xã Viễn Sơn có 471 hộ dân với 3.373 nhân khẩu thì hơn 80% là đồng bào dân tộc Dao, còn lại là người Tày, Nùng, Kinh. Ngày xưa, các cụ đặt tên Viễn Sơn vì nơi đây toàn núi, lại xa phố huyện, phố tỉnh…Anh Huyện tâm sự, bây giờ Viễn Sơn vẫn thuộc vùng 135 đấy, phấn đấu nhiều rồi nhưng vẫn còn 420 hộ nghèo, gần 100 hộ diện đói giáp vụ. Cách đây vài chục năm, khi biết cây quế thì hóa ra, Viễn Sơn lại là thủ phủ của cây quế Yên Bái do hợp khí hậu và thổ nhưỡng, cây quế mọc khỏe, vươn cao đến 15-20m và quan trọng nhất là vỏ quế cay xè, thơm lừng do chứa hàm lượng tinh dầu đến 3,5%, so ngang ngửa với cây quế Trà Bồng ... Trước đây, cây quế bị xem nhẹ, đổi 3 cân vỏ quế được 1 cân gạo; gỗ, cành lá đem đốt. Đường giao thông không có, chờ mỏi cổ mà không ai đến mua. Nhiều nhà trồng quế không đợi được 5-6 năm để thu hoạch nên đem chặt hết để trồng ngô, sắn. Nhưng giờ thì khác. Nhà nước quan tâm, đầu tư những nguồn lực lớn làm đường nhựa đến tất cả các xã, rồi đem điện về, sản phẩm quế Viễn Sơn được bán đi các nơi. Năm 2010, cây quế Văn Yên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Người người, nhà nhà thi nhau trồng quế. Rừng quế Viễn Sơn nay đã phát triển lên hơn 1.500ha. Quế được trồng trong các vườn nhà, trên đồi, dọc triền núi, dọc theo các con suối. Hội CCB xã có 89 hội viên thì cả 89 gia đình hội viên CCB từ gia đình hội viên Nguyễn Thị Sen nay đã 91 tuổi đến gia đình hội viên CCB Bàn Tòn On trẻ nhất (năm nay 25 tuổi) đều trồng quế, làm quế; điển hình như các hội viên CCB Lý Văn Kim ở chi hội Tháp Cái 1, Triệu Phú Hưng chi hội Đồng Lụa, Bàn Kim Hưng chi hội Tháp Con 1, Bàn Kim Tài chi hội Khe Qué, hội viên Lê Xuân Thành chi hội Khe Dứa… đều có từ 5-10 ha quế. Trời mưa nên vợ chồng hội viên Nguyễn Quốc Doanh ở chi hội Khe Dứa ở nhà thu quế. Cất nốt những bó quế cuối cùng vào kho, anh Doanh vui vẻ pha nước mời khách trong ngôi nhà khang trang rộng hơn 300m2 mới xây. “Từ quế đấy anh ạ!”. Ngoài trồng 10 ha quế, vợ chồng anh cùng các đồng đội còn chung sức mở một xưởng nấu tinh dầu ngay tại xã, thu hút 30 con em CCB và thanh niên trong vùng cùng làm. Người trồng quế Viễn Sơn đã tậu được hàng chục xe ô tô. Hay nhất là chuyện mấy năm qua, Hội CCB được xã quan tâm cấp cho 4ha để lập “Đồi quế Bác Hồ”, tạo quỹ hoạt động Hội và lấy nguồn giúp cho gần chục hội viên tại các bản vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ chỗ quá nghèo, đến nay nhiều gia đình ở Viễn Sơn đã có thu nhập mỗi năm vài ba trăm triệu đồng, xây được nhà, mua được xe máy, ti vi… Quế vỏ được giá, người dân chẳng cần đem đi đâu xa, để ở nhà đã có xe ô tô đến mua với giá 40.000 đồng/kg, bằng ba cân gạo. Lá, cành để chưng cất tinh dầu. Gỗ quế được xẻ đóng thùng hàng, làm đồ mỹ nghệ… Bà con thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, cây đến tuổi thì thu, còn lại chỉ chặt tỉa cành, lá bán nấu tinh dầu; trồng bù nên năm nào cũng có thu nhập. Bên cạnh những thung lũng rộng gần trăm héc-ta nằm rải rác ở các bản Tháp Cái, Tháp Con, Đồng Bông… trồng lúa nước, ngô, nuôi trâu bò và thủy sản thì nay quế đã trở thành chìa khóa xóa đói giảm nghèo ở Viễn Sơn; 30 cây quế chất lượng nhất được xã lưu giữ thành cây giống thuần chủng, ngoài ra, mỗi nhà cũng giữ lại 5-10 cây trội làm giống, không dùng giống ngoài nhập về nên hương quế Viễn Sơn luôn có độ cay, độ thơm rất riêng. Với tốc độ này, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, Viễn Sơn sẽ ra khỏi diện 135 và cái đích hiển hiện là xã chuẩn nông thôn mới. Được biết, chỉ ít ngày trước thôi, ở đây đã diễn ra “Lễ hội Quế huyện Văn Yên”, có triển lãm sản phẩm quế, có Lễ hội cấp sắc 12 đèn của người Dao, có Lễ hội cầu mùa, có Hội thi Người đẹp vùng quế. Hội viên CCB tham gia đông lắm, lại nhiều loại sản phẩm quế nữa. Tiếng thơm của cây quế Viễn Sơn bay xa…
Cuối giờ chiều có nắng lên nhưng lại đã phải tạm biệt. Ngắm nhìn rừng quế Viễn Sơn bạt ngàn mà thấy xốn xang. Đi xa rồi mà vẫn thấy hương quế bay theo.
Ghi chép của Lê Doãn Chiêu