Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.

Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11, ngày 6-11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet.

Ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, hai bên điểm lại hợp tác song phương thời gian qua; nhất trí làm sâu sắc hơn trụ cột hợp tác về quốc phòng, an ninh, bảo đảm chỗ dựa vững chắc cho nhau, tiếp tục giữ gìn an ninh, xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển bền vững; nhất trí tiếp tục tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại.

Thủ tướng Sonexay Siphandone khẳng định Lào luôn coi trọng và ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào; mong muốn thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, hợp tác cải thiện hệ thống pháp lý nhằm thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại-đầu tư. Đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong khai thông một số dự án trọng điểm thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên duy trì đà tích cực, quyết tâm giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm khác; khẳng định Việt Nam tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Lào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm giúp Lào thích ứng với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hai Thủ tướng nhất trí triển khai hiệu quả hơn hợp tác về văn hóa, đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về truyền thống quan hệ Việt Nam-Lào trong các tầng lớp nhân dân; nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi tin cậy, chia sẻ thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia sớm đạt 20 tỷ USD

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam-Campuchia là tài sản quý báu, là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển của mỗi nước ngày nay. Thủ tướng Hun Manet chúc mừng những thành tựu vượt bậc, nhất là về kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được thời gian qua; tin tưởng dưới đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu, Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hai Thủ tướng vui mừng trước những bước phát triển của quan hệ Việt Nam-Campuchia thời gian qua. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh ngăn chặn âm mưu phá hoại, chia rẽ quan hệ hai nước của các thế lực thù địch; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới; cam kết đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là ở khu vực biên giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thúc đẩy giải quyết các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc. Hai Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị lịch sử của quan hệ Việt Nam-Lào-Campuchia; khẳng định tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác giữa 3 nước ở tất cả các kênh, vì lợi ích của nhân dân 3 nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0

Ngày 6-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa. Thủ tướng cảm ơn ADB tài trợ nguồn vốn quan trọng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam; đề nghị ADB tiếp tục tài trợ vốn cho Việt Nam với lãi suất ưu đãi về các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, điện toán đám mây, các dự án hạ tầng chiến lược quy mô lớn mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.

Chủ tịch ADB hy vọng Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của ADB tài trợ cho các dự án phát triển ở Việt Nam; đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong GMS, hy vọng với vai trò là quốc gia sáng lập, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực chương trình của ADB, giống như Việt Nam đang tích cực chuyển đổi năng lượng; cho biết ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn ADB tiếp tục đồng hành với Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn chính sách; hỗ trợ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Chủ tịch Masatsugu Asakawa cho biết ADB đang tạo thuận lợi để các nước được vay vốn với lãi suất thấp hơn, từ đó đóng góp vào giảm tác động biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ xây dựng chính sách khuyến khích vay vốn của ADB; xem xét điều chỉnh, hoàn thiện chính sách phù hợp tình hình phục vụ vay vốn phát triển cho khối tư nhân như Chủ tịch ADB đề xuất.

Tạo thuận lợi cho các địa phương Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác

Ngày 6-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, quan tâm, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương Việt Nam tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam; nhấn mạnh Việt Nam và Vân Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, có nhiều ưu thế bổ sung lẫn nhau, đồng thời mong muốn, nhu cầu của cả hai bên trong việc giao thương, qua lại là rất lớn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Vân Nam đi tiên phong trong thực hiện nhận thức chung cấp cao và các tuyên bố chung, tăng cường giao lưu với các địa phương Việt Nam; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam-Vân Nam lên mức 5 tỷ USD, đưa Vân Nam và Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Trung Quốc với ASEAN; thúc đẩy triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh; tăng cường phối hợp trong công tác điều tiết xả lũ, phòng, chống thiên tai; mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan.

Tán thành với những ý kiến quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng chí Vương Ninh khẳng định Vân Nam coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam; sẵn sàng phát huy hiệu quả vai trò của các cơ chế hợp tác hiện có, làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại, tận dụng tốt các dự án đường sắt kết nối giữa hai nước, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Vân Nam có thế mạnh về năng lượng xanh, nông nghiệp đặc sắc cao nguyên, du lịch... góp phần củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.

* Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Hai bên đánh giá cao những tiến triển đáng khích lệ quan trọng của quan hệ hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa Việt Nam và Quảng Tây thời gian qua. Kỳ vọng quan hệ hợp tác tương xứng hơn nữa với tiềm năng, mức độ quan hệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao; phối hợp tổ chức các hoạt động trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025. Thủ tướng đề nghị hai bên hợp tác trong triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Quảng Tây với Việt Nam; làm tốt mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh; đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Quảng Tây; hoan nghênh doanh nghiệp Quảng Tây mở rộng đầu tư vào Việt Nam; đề nghị sớm triển khai công tác nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới và hợp tác kinh tế số, điện lực, năng lượng sạch; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quản lý biên giới; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, quản lý xuất - nhập cảnh, phòng, chống tội phạm qua biên giới; đẩy mạnh nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới đất liền hai bên đã nhất trí; vận hành an toàn, hiệu quả khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên.

Nhất trí với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng chí Lam Thiên Lập khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, mở rộng và làm sâu sắc giao lưu hữu nghị với các địa phương Việt Nam, đẩy mạnh kết nối giao thông đường bộ, đường sắt; nhanh chóng triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh và các biện pháp tạo thuận lợi cho thông quan; phát huy ưu thế đặc biệt của hai bên để qua Quảng Tây kết nối sâu hơn với lục địa Trung Quốc, sang các nước thứ ba cũng như qua Việt Nam kết nối với các nước ASEAN. Đồng chí Lam Thiên Lập mong muốn hai bên mở rộng hơn nữa quy mô, nâng cao chất lượng hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu suất thông quan với mô hình cửa khẩu thông minh, triển khai hợp tác kinh tế số, mua-bán điện, tăng cường quản lý biên giới, hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, góp phần củng cố và đưa quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho các địa phương và nhân dân hai bên.

* Ngày 6-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực hàng không, dịch vụ, nông nghiệp, hạ tầng, năng lượng.

Tin, ảnh: ĐOÀN CA và TTXVN