Lười vận động đang trở thành kẻ thù đầu tiên và tồi tệ nhất của sức khỏe trong xã hội ngày nay. Không hoạt động thể chất là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trên toàn thế giới. Nó cũng liên quan đến bệnh mãn tính và khuyết tật. Nghiên cứu gần đây ước tính rằng, thế giới có thể chứng kiến ​​gần nửa tỷ ca mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng mới vào năm 2030 nếu mọi người không vận động nhiều hơn.

Lối sống thiếu vận động sẽ đốt cháy ít calo hơn, điều này khiến bạn dễ tăng cân hơn; có thể mất sức mạnh cơ bắp và sức bền vì không sử dụng cơ bắp nhiều; xương có thể yếu đi và mất đi một số khoáng chất; quá trình trao đổi chất có thể bị ảnh hưởng và cơ thể bạn có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phân hủy chất béo và đường; hệ thống miễn dịch có thể không hoạt động tốt; tuần hoàn máu kém hơn; bị viêm nhiều hơn; mất cân bằng nội tiết tố…

Nếu không tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh sau: Béo phì; bệnh tim, bao gồm bệnh động mạch vành và đau tim; huyết áp cao; cholesterol cao; đột quỵ; hội chứng chuyển hóa…

Trên toàn thế giới, mọi người ngày càng có xu hướng ít vận động. Trong thời gian rảnh rỗi, chúng ta thường ngồi: khi sử dụng máy tính hoặc thiết bị khác, xem ti vi hoặc chơi trò chơi điện tử. Nhiều công việc của chúng ta ngày càng trở nên ít vận động hơn, với những ngày dài ngồi ở bàn làm việc. Và cách mà hầu hết chúng ta di chuyển đều liên quan đến việc ngồi - trong ô tô, trên xe buýt và trên tàu hỏa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ em và thanh thiếu niên (5-17 tuổi) nên dành trung bình ít nhất 60 phút mỗi ngày để hoạt động thể chất với cường độ vừa phải đến mạnh mẽ. Trẻ em không nên dành quá 2 giờ mỗi ngày cho thời gian giải trí trên màn hình. Những khuyến nghị này nhằm mục đích cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ cũng như kết quả nhận thức.

Hải Tiến