Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Nguyễn Văn Đồi ở khu 2 thị trấn Phú Thứ, ông bức xúc nói: Tình trạng ô nhiễm ở đây có lẽ nhất nhì cả nước, nó kéo dài nhiều năm nay nhưng không được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương giải quyết triệt để. “Có thể chúng tôi đứng ra phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ hai nhà máy và các đơn vị đang khai thác đá ở đây sẽ bị “trả thù”, nhưng thà chúng tôi bị trả thù còn hơn phải sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề và quan trọng hơn là chúng tôi không thể để cho thế hệ con cháu chúng tôi ở đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”-ông Đồi quả quyết nói.
Điều đáng nói, khu vực thị trấn Phú Thứ tập trung hầu hết các trường học: Trường mầm non Phú Thứ (410 học sinh), Trường tiểu học (920 học sinh), Trường THCS (480 học sinh), Trường TH Nhị Chiểu (833 học sinh). Phản ánh của các phụ huynh thì hầu hết các em học sinh ở đây đều học trong một môi trường vô cùng ô nhiễm bởi khói bụi, mùi tanh nồng, khét từ hai nhà máy luyện kim loại Tân Đông và Tân Nguyên ngày đêm xả khí thải ra môi trường.
Một đại diện Hội cha mẹ học sinh ở một trường học ở Phú Thứ nói: Hầu hết học sinh, trẻ nhỏ có triệu chứng buồn nôn, khó thở, viêm phế quản nặng, nhức đầu, chóng mặt... Sự việc này đã được phản ánh đến các cơ quan chức năng, nhưng tất cả đều rơi vào “im lặng khó hiểu” và không thấy cơ quan chức năng nào giải quyết triệt để.
CCB Nguyễn Văn Tỵ-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin thị Trấn Phú Thứ cho biết: “Người dân địa phương ủng hộ phát triển công nghiệp của huyện nhà, nhưng về môi trường phải đảm bảo cho người dân. Cứ như thế này dân khổ quá!”.

Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND thị Trấn Phú Thứ-ông Nguyễn Thanh Hà cho biết: Phản ánh của dân là có cơ sở. Hằng năm tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh rất nhiều về trường hợp hai nhà máy Tân Đông và Tân Nguyên xả mùi khó chịu.
Về việc ô nhiễm trên địa bàn, ông Hà nói rằng đã báo cáo UBND huyện biết sự việc.
Theo ông Hà, thì khu dân cư số 2, số 3, số 7 của thị trấn Phú Thứ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm của hai nhà máy Tân Đông và Tân Nguyên. Ba khu này có số dân gần 6.000 người, trong đó riêng khu dân cư số 2 số hộ ảnh hưởng trực tiếp khoảng 200 hộ.
Ngoài hai nhà máy Tân Đông và Tân Nguyên, trên địa bàn Phú Thứ còn chịu ảnh hưởng từ nhà máy xi măng Phúc Sơn, xi măng Cường Thịnh... Đặc biệt, nhà máy thép Hòa Phát nằm ở xã Hiệp Sơn, bên kia sông Kinh Thầy, nhưng người dân Phú Thứ bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ khói của nhà máy thép Hòa Phát-ông Hà nói.
Liên quan đến việc các nhà máy xả ra môi trường mùi khó chịu, ông Hà cho biết, về thẩm quyền chính quyền thị trấn không thể yêu cầu họ dừng hoạt động để không gây ô nhiễm. Người dân thị trấn mong muốn sớm di dời các cơ sở công nghiệp này ra xa khu dân cư, cũng như không muốn khu vực mỏ đá núi Thần khai thác nữa...
Trong khi đó, ông Lê Văn Bí-Phó chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho hay: Liên quan đến hoạt động của nhà máy Tân Đông, huyện đang cho cơ quan chức năng kiểm tra về việc xử lý chất thải và nước thải của nhà máy. Huyện đã thành lập tổ giám sát cộng đồng gồm đại diện chính quyền, người dân sở tại và cán bộ nhà máy để giám sát việc xả thải của hai nhà máy Tân Đông và Tân Nguyên. Nếu phát hiện xả thải gây ô nhiễm, Tổ giám sát được phép vào kiểm tra...
Theo ông Bí, nếu Tổ giám sát vẫn còn nghi ngờ về các kết quả quan trắc môi trường do Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở TNMT Hải Dương thực hiện, thì huyện sẽ mời một đơn vị quan trắc độc lập khác vào tiến hành quan trắc, phân tích độ ô nhiễm ra sao.
Về việc các nhà máy gần khu dân cư, ông Bí cho rằng, trước đây, do các cấp chưa nhìn ra được về quy hoạch, thêm nữa, để kêu gọi phát triển công nghiệp trên địa bàn nên chưa nhìn ra được hậu quả...; vả lại, khi các doanh nghiệp vào đầu tư, họ đều có đề án, thuyết trình hoạt động của nhà máy “rất đẹp” nên lúc đầu yên tâm.
Khi được hỏi về quy hoạch phát triển công nghiệp, nhất là cho phép khai thác mỏ đá núi Thần ngay sát nhà dân và Trường mầm non Phú Thứ; việc, cấp phép cho hai nhà máy Tân Đông, Tân Nguyên hoạt động ngay cạnh nhà dân, ông Bí liền nói, cái này nhà báo lên hỏi tỉnh, chủ trương là của tỉnh, huyện không tham mưu...
Bài và ảnh: Chính Nhi