Chiều ngày 14-10-2022, tại một phiên họp, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND T.P Hà Nội nêu cam kết năm 2023 phải làm "sống lại" các công viên trên địa bàn.
Và cam kết của ông được khởi động bằng một việc vừa rất táo bạo vừa quyết đoán là mở toang cửa Công viên Thống Nhất để dân vào sinh hoạt mà không phải mua vé như trước. Từ khi hàng rào sắt quây công viên được cắt bỏ dường như thành phố rộng thêm ra, thoáng mát thêm ra, ai nấy đều tấm tắc khen…
Nhưng chắc ai cũng ý thức được đó chỉ là việc mang ý nghĩa biểu tượng. Còn về lâu về dài, để công viên “sống lại” thì lại càng phải quản lý chặt chẽ hơn, khoa học hơn…
Chặt chẽ, khoa học đến mức “cửa mở mà trộm vẫn không dám vào trộm”; không thu tiền vé người dân vào công viên giải trí, nhưng không có nghĩa công viên tồn tại, phát triển trái với cơ chế thị trường - thì đó mới thực sự làm “sống lại” được công viên.
Nghĩa là, cần có một cơ chế quản lý phù hợp. Ông biết. Hôm đó, ông cũng đã nói: “Thành phố sẽ sớm tìm mô hình, kêu gọi đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống công viên cây xanh để người dân được hưởng lợi...”.
Thưa ông, lâu nay Hà Nội đã kêu gọi đầu tư vào Công viên Thống Nhất nói riêng, nhiều công trình công cộng nói chung, không phải một lần và cũng rất nhiều nhà đầu tư đã đầu tư, nhưng chưa thành công được như mong muốn.
Vì sao đầu tư chưa thành công? Câu hỏi này chắc cũng đã được T.P Hà Nội rút kinh nghiệm rồi. Rút kinh nghiệm mà vẫn chưa khắc phục được thì nghĩa là đã không rút kinh nghiệm “trúng”, hoặc “rút kinh nghiệm” chưa kỹ.
Ông cứ hỏi; tìm hiểu thêm những nhà đầu tư trước xem… Dư luận thì bảo do vẫn còn nhầm “đất công viên” với “đất vàng’.
Huy Thiêm