Tác giả trò chuyện với Anh hùng Nguyễn Tiến Thụ.

Ở bệnh viện trông người nhà đã mấy ngày, tôi mới biết người bệnh nhân cao tuổi nằm cùng phòng là Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ - “Vua phá bom” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lựa khi ông tỉnh táo, tôi đến chào và hỏi chuyện ông. Được biết, năm 1948, mới 14 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Thụ đã làm liên lạc cho  huyện bộ Việt Minh huyện Tiên Du (Bắc Ninh) rồi tham gia TNXP, phá đá mở đường cho bộ đội đánh giặc trong các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc, Thượng Lào; đến năm 1953 là Đại đội phó Đại đội 40 chuyên phá bom nổ chậm tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi và ngầm Hát Lót phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ- nơi máy bay Pháp mỗi ngày thả hàng trăm quả bom các loại nhằm chặn bộ đội và dân công tiếp viện cho mặt trận. Ngày qua ngày, ông cùng đồng đội san lấp mặt đường; nổ mìn phá đá làm ngầm cho xe chở pháo, chở đạn và lương thực vượt suối; đếm bom rơi, tìm những quả chưa nổ trên đường để đào bới lên, kéo về hố sâu, dùng bộc phá hủy nổ... Kết quả, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông và đồng đội đã phá được 120 quả bom các loại, trong đó có 7 quả bom nổ chậm, 50 quả bom bươm bướm; bảo đảm thông đường và an toàn cho bộ đội, dân công. Cũng tại cung đường này, đã 4 lần ông bị sức ép của bom nổ, đất đá vùi lấp…

- Kỷ niệm sâu sắc nhất khi phá bom địch ở Chiến dịch Điện Biên Phủ là gì, thưa bác? Tôi hỏi.

Ánh mắt người Anh hùng như sáng lên khi những kỷ niệm trong ông ùa về. Tuổi cao và bệnh tật khiến tai ông tuy nghe được nhưng sự diễn tả lại khó khăn. Biết vậy, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, điều dưỡng viên đã chăm sóc ông suốt 8 tháng qua và các đồng đội của ông đến thăm đã “dịch” lại cho tôi chuyện người Anh hùng. Chuyện kể rằng, vào giữa tháng 3-1954, máy bay Pháp thả xuống Cò Nòi - Hát Lót hàng trăm quả bom mỗi ngày, gây thương tích nặng nề cho quân ta; trong đó, bom bươm bướm là vũ khí Mỹ mới sản xuất và viện trợ cho Pháp, nó lơ lửng trên cành cây, vương vãi trên mặt đất. Vũ khí mới nên chưa ai hiểu gì về nó, khiến hàng chục bộ đội, dân công hy sinh hoặc mất chân, mất tay. Yêu cầu đặt ra là phải hiểu về nó để phòng tránh và tiêu hủy an toàn. Nguyễn Tiến Thụ xung phong. Cả đại đội cùng bàn cách, rồi cùng làm bữa cơm truy điệu sống người Anh hùng.

Hai ngày đêm nghĩ cách chinh phục, cuối cùng, Nguyễn Tiến Thụ đào một hầm cá nhân, kê một tấm ván xẻ ngang miệng hầm, trưng dụng chiếc mũ sắt chiến lợi phẩm được dùng làm nồi luộc sắn cho đơn vị để đội lên đầu rồi nhảy xuống hầm, hai tay vòng lên trên tấm ván, cầm quả bom, xoay xoay ngòi nổ tháo thử. Tất cả ánh mắt đồng đội sau các gốc cây đều chăm chăm nhìn chàng trai mới tròn tuổi đôi mươi đang đội bom lên đầu để tìm cách phá, cầu cho đôi tay kia không bị bom xé nát…Và, “cầu được ước thấy”, một mình vặn ngược vặn xuôi, mãi sau ông cũng lôi được cái ngòi nổ ra khỏi thân quả bom an toàn. Quả bom hiện nguyên hình với toàn bộ bí mật của nó, chỉ cho ta cách phá. Cả đơn vị reo hò, kéo ông lên khỏi hầm… Kinh nghiệm phá bom bươm bướm nhanh chóng được phổ biến tới các tổ phá bom trên toàn mặt trận, giảm sâu sự hy sinh mất mát cho bộ đội, dân công.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Tiến Thụ về công tác tại T.Ư Đoàn Thanh niên, là Bí thư T.Ư Đoàn. Năm 2014, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được phong tặng Anh hùng LLVTND và là một trong những tấm gương Anh hùng hiếm hoi thời kỳ chống Pháp còn sống để thế hệ trẻ và người dân noi gương, học tập.

Lê Doãn Chiêu