
Đồng chí Trần Ngọc Thiều (thứ ba phải qua) nhận bằng khen của quỹ “Học Bổng Vừ A Dính” từ nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại T.P Hồ Chí Minh.
Tôi quen biết với Đại tá, doanh nhân, CCB Trần Ngọc Thiều - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viễn thông ACT (Công ty ACT), Phó chủ tịch Thường trực Hội DN CCB TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay. Nhưng muốn tìm hiểu về ngành Viễn thông của anh, tôi phải hẹn trước 10 ngày mới gặp được. Hơn 1 giờ ngồi nghe Đại tá Trần Ngọc Thiều trò chuyện, tôi mới hiểu công việc của những người làm viễn thông thời công nghệ số bộn bề, gian nan và thú vị biết nhường nào.
Mới gặp tôi, Đại tá Trần Ngọc Thiều đã hỏi “xóc” thay cho lời chào: “Chú mày có biết làm kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông nó áp lực đến thế nào không?”. Thấy tôi nhíu mày vài giây, anh trả lời luôn: “Lúc đầu nó như người nghèo đi buôn ấy; vốn ít mà phải chi tiêu nhiều, người ít mà phải làm hàng đống việc. Tiếp đó phải lo đổi mới phương thức kinh doanh, đầu tư công nghệ, tuyển nhân sự chất lượng cao, quản lý điều hành công việc thật khoa học; chăm lo lương bổng, chính sách cho người lao động; quan hệ tốt với các đối tác và mở rộng thị trường… Tóm lại là phải động não, động chân, động tay liên tục; phải đem công việc vào từng bữa ăn, giấc ngủ. Nếu không vậy thì phá sản là cái chắc”. Trải qua những năm tháng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, giờ đây Công ty ACT là doanh nghiệp tư nhân có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đời sống của cán bộ, người lao động luôn có thu nhập ổn định ở mức cao với lương trung bình hơn 20 triệu đồng/người/tháng.
“Cơ duyên nào đã đưa anh đến với hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực viễn thông?” - tôi gợi chuyện. “Nói ra thì dài dòng lắm, nhưng có lẽ là do cơ duyên” - Trần Ngọc Thiều tủm tỉm cười. Rời quê hương Ninh Bình nhập ngũ tháng 10-1974, anh không nghĩ mình sẽ được gắn bó với hoạt động thông tin - liên lạc.
Cơ may đã giúp anh được đi học sửa chữa thiết bị thông tin tại Trường trung cấp Kỹ thuật Thông tin (nay là Trường sĩ quan Thông tin). Tốt nghiệp ngành học, Trần Ngọc Thiều được cấp trên điều về công tác tại Lữ đoàn 596 (Binh chủng thông tin - Liên lạc). Đó cũng là cơ duyên gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của anh với TP. Hồ Chí Minh. Vừa khai thác, sử dụng các thiết bị thông tin được trang bị, đơn vị phải tiếp quản, khai thác các thiết bị viễn thông của Mỹ thu được ở khu vực phía Nam với nhiều trạm viễn thông, tổng đài, cáp biển... hiện đại nhất lúc bấy giờ. Vì thế, Lữ đoàn 596 có thể bảo đảm thông tin nối dài tại các tỉnh Nam Bộ và vươn ra cả các nước. Gần 30 năm công tác ở Lữ đoàn 596, anh đã “bỏ túi” được khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm của công nghệ viễn thông.
Năm 2003, Trần Ngọc Thiều chuyển sang công tác tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, đảm nhiệm cương vị Giám đốc Viettel T.P Hồ Chí Minh, rồi Giám đốc Công ty Viettel đầu tư tại Pê-ru. 12 năm lăn lộn ở tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam, càng tôi luyện anh thành một người yêu lao động, ham học hỏi và đam mê với công nghệ viễn thông. Khi được quân đội cho nghỉ hưu, một đồng đội cũ đã mời anh hợp tác kinh doanh với công ty nhỏ của gia đình. Thấy công việc này phù hợp với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của mình, Trần Ngọc Thiều đồng ý. Anh suy nghĩ: “Còn khoẻ thì còn phải lao động và còn cống hiến”.
Một công ty lúc đầu chỉ “nho nhỏ” nhưng ra đời đúng thời điểm mà Tập đoàn Viettel triển khai chính sách thuê bên ngoài làm mảng viễn thông băng thông rộng để tập trung vào những lĩnh vực mới, nên Công ty ACT chớp lấy thời cơ và được tín nhiệm giao toàn bộ lĩnh vực này. Nhưng để làm tốt công việc thì Trần Ngọc Thiều và Ban giám đốc Công ty ACT phải “vắt chân lên cổ” để lo củng cố nhân sự, bảo đảm vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, thiết lập quy trình và lập kế hoạch làm việc sao cho hiệu quả, lo bảo đảm lương bổng cùng các chế độ khác cho người lao động…
Công việc dần đi vào ổn định và phát triển, cũng là lúc mà Viettel chuyển toàn bộ hạ tầng cố định tại TP. Hồ Chi Minh và hơn 900 nhân viên, người lao động cho Công ty ACT quản lý vào tháng 4-2015. Có cơ sở hạ tầng, có nguồn nhân lực nên ACT hoàn thành tốt mảng bảo đảm viễn thông hữu tuyến. Đến năm 2017, Viettel lại tin tưởng giao luôn 4.000 trạm viễn thông di động tại TP. Hồ Chi Minh cùng gần 260 lao động cho Công ty ACT. Thế là Công ty cứ dần lớn lên, mạnh lên theo năm tháng. Thời điểm này, Công ty ACT có khoảng 1,4 triệu thuê bao (bao gồm cả thuê bao cố định và thuê bao di động ở khu vực TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương lân cận), tạo việc làm ổn định cho hơn 1.200 người, trong đó có khoảng 100 quân nhân xuất ngũ.Với tiềm lực của mình, ACT có đủ điều kiện để hợp tác sâu rộng với các nhà mạng lớn như: Viettel, FPT, MobiFone, VNPT-ACT… để phát triển.

Trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Công ty ACT quyết tâm bảo đảm thông tin thông suốt cho các hoạt động của lãnh đạo và người dân, sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu thông tin trong những trường hợp cần thiết.
Ảnh hưởng lớn của Công ty ACT không chỉ là mở rộng mạng lưới viễn thông cho các thuê bao, mà còn được Sở Thông tin - truyền thông TP. Hồ Chí Minh chọn là nhà cung cấp dịch vụ để Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 đến các cơ sở - ngành, quận - huyện, phường - xã. Với vai trò là Phó chủ tịch Thường trực Hội DN CCB TP. Hồ Chí Minh, Đại tá Trần Ngọc Thiều cùng lãnh đạo Hội kêu gọi các doanh nghiệp CCB đóng góp hàng tỷ đồng, hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng dịch. Công ty ACT trích quỹ và vận động nhân viên đóng góp hơn 2 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Anh cũng trực tiếp mang máy thở đến hỗ trợ cho các bệnh viện, mang nhu yếu phẩm đến hỗ trợ đồng bào.
Ngay sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào miền Bắc ngày 7-9-2024, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, Công ty ACT được đề nghị ứng cứu thông tin ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Tối ngày 8-9, lực lượng Công ty từ TP. Hồ Chí Minh đã có mặt ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và bắt tay vào công việc lúc 21 giờ cùng ngày. Chỉ ít thời gian sau đó, mạng lưới thông tin liên lạc ở các địa bàn mà Công ty ACT đảm nhiệm đã được khai thông.
Không chỉ ấn tượng với các hoạt động viễn thông, Công ty ACT và doanh nhân Trần Ngọc Thiều còn gắn liền với các hoạt động xã hội, từ thiện. Đó là những đóng góp hàng tỷ đồng cho quỹ “Học bổng Vừ A Dính” do nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm Chủ tịch trong những năm qua. Đại tá Trần Ngọc Thiều còn đại diện cho Công ty ACT trao hàng nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết; đại diện cho Hội DNDN CCB Việt Nam nói chung và Hội DN CCB TP. Hồ Chí Minh nói riêng đi trao nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình thương binh, liệt sĩ cả nước…
Có thể nói, mọi bước đi, mọi chặng đường xây dựng và phát triển của Công ty ACT, đều có đóng góp công sức to lớn của CCB Trần Ngọc Thiều. Nói như Đại tá, CCB Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch - Chính trị Công ty ACT thì: “Sự phát triển lớn mạnh của Công ty ngày hôm nay, có công đóng góp rất lớn của Chủ tịch Trần Ngọc Thiều. Gắn bó với TP. Hồ Chí Minh hơn 30 năm qua, anh luôn có ý kiến chỉ đạo SXKD phù hợp, hiệu quả. Anh cũng là người luôn sâu sát, cụ thể, làm việc khoa học và quan tâm đến mọi người. Đó chính là niềm cảm hứng để chúng tôi làm việc tốt”.
Khi nói về sự phát triển của Công ty ACT, Đại tá Trần Ngọc Thiều nhấn mạnh vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong các nhiệm vụ. Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, vì một doanh nghiệp tư nhân lại vận dụng nhuần nhuyễn, sinh động CTĐ, CTCT vốn chỉ có ở trong môi trường quân đội vào môi trường SXKD. Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng như: Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn hoạt động cũng rất hiệu quả. Tất cả làm cho Công ty mang đậm “chất bộ đội” với tính kỷ luật cao, tình người luôn sâu nặng. “Bản chất của hoạt động công nghệ viễn thông là phải liên tục đổi mới nhanh về kiến thức, công nghệ với sự cạnh tranh khốc liệt. Làm tốt CTĐ, CTCT sẽ tạo nên sức mạnh và niềm tin để phát triển” - Trần Ngọc Thiều giảng giải với tôi.
Nhận xét về doanh nhân, CCB Trần Ngọc Thiều, AHLĐ, doanh nhân, CCB Nguyễn Đình Trường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam nói rằng: “Đó là một con người yêu công việc, ham cống hiến và giàu lòng nhân ái. Không chỉ góp phần phát triển công nghệ viễn thông ở T.P Hồ Chí Minh, anh còn cùng Công ty phát triển Ngành viễn thông ở nhiều tỉnh, thành khác tại khu vực phía Nam”.
Tôi cũng thấy như vậy. Những gì mà Đại tá Trần Ngọc Thiều đã, đang và sẽ làm, đều hướng tới cộng đồng, hướng tới sự phát triển của đất nước, cụ thể là TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận. Đó cũng chính là mục đích của các DNDN CCB Việt Nam - những doanh nhân mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Lê Phi Hùng