Góp ý về phạm vi điều chỉnh của luật về việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau.
Có nhất thiết cần một phông lưu trữ Quốc gia!
Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) đề nghị, nên có quản lý thống nhất ở cấp quốc gia, có một phông chung đó là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Theo bà Thu, có thể tách ra hai bộ phận như pháp lệnh hiện hành và đề nghị tập trung quản lý thống nhất và tinh gọn.
Còn đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bày tỏ, khi quy định lưu trữ quốc gia chia ra lưu trữ Nhà nước và lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam, thì khái niệm Quốc gia và Nhà nước khác nhau chỗ nào?
Nếu xác định tồn tại hai hệ thống này thì tiếp đến phải tính luôn đến việc các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các đoàn thể chính trị theo hệ thống của Đảng và cũng phải quy định tài liệu lưu trữ của các ngành như kiểm sát, tòa án, ngoại giao v.v... cần phải lưu trữ, quy định cụ thể hơn. Thực tế lưu trữ của Đảng đang tồn tại ổn định và phát triển theo chỉ thị và quy định của Ban bí thư. Và đề nghị tiếp tục mô hình này bên cạnh lưu trữ của nhà nước.
Trong khi đó, đại biểu Triệu Thị Bình (Yên Bái) cho rằng, hệ thống quản lý còn phân tán, chưa tập trung, trong quản lý tài liệu của Bộ, ngành, cơ quan nào do Bộ, ngành, cơ quan đó lưu trữ . Khi cần có một tài liệu mang tính tổng hợp, có hệ thống hoặc cần những tài liệu cần so sánh với các năm trước thì rất khó khă n, thậm chí không thể tìm được nên việc khai thác các tài liệu lưu trữ chưa được phát huy hiệu quả cao.
Về quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, đại biểu Bình cho rằng, trong thời gian qua công tác lưu trữ còn phân tán. Bà Bình cho rằng nên chỉ có một phông lưu trữ chung là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, trong đó có cả phông lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, lưu trữ của Nhà nước Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác. Nên thống nhất về cơ chế quản lý để khắc phục những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo nghiệp vụ, đồng thời tạo ra một chính sách và quy trình khai thác nguồn tài liệu quý giá của quốc gia.
Đại biểu Lê Quang Huy (Bạc Liêu) lý giải, tính đặc thù trong hệ thống của chúng ta cộng với kết quả thực hiện Pháp lệnh lưu trữ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra từ năm 2001 đã qua chín năm thực hiện. Và gần đây, vào đầu năm 2009 thì Ban Bí thư đã ban hành quy định về phông lưu trữ của cơ quan Đảng trong đó có mô tả phông lưu trữ cũng như tổ chức các cơ quan lưu trữ của cơ quan Đảng từ Trung ương cho đến cấp tỉnh và cấp huyện.
Dẫn báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật: việc hợp nhất ở đây không thuần túy là việc sáp nhập một cách cơ học mà ở đây chính là phải xây dựng một cơ chế quản lý thống nhất, bao gồm từ quy chế lập hồ sơ, nộp hồ sơ, chỉnh lý, xác định giá trị, giải mật, bảo quản, thống kê. Đặc biệt đó là xây dựng và ban hành những chuẩn chung và được chia sẻ. Mặc dù có sự khác biệt, có sự phân tán về mặt vật lý nhưng với tiến bộ của khoa học, công nghệ ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể quản lý tốt được hệ thống.
Sớm số hóa tài liệu lưu trữ
Đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) đề nghị tăng cường các biện pháp lưu trữ bằng phương tiện hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế dần lưu trữ bằng chất liệu giấy và nhằm giảm bớt sức chứa cho các kho và đỡ tốn thời gian tra cứu cho nhân dân. Về việc bổ sung các phương thức quản lý tài liệu lưu trữ điện tử phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, nhưng đặc thù của loại lưu trữ này thì cần quy định cụ thể về chế độ thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng để đảm bảo quyền khai thác tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời quản lý tốt nguồn tài liệu này.
Theo đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước), dự án Luật cần phải đề cập nhiều hơn nữa vấn đề bảo quản tài liệu lưu trữ dưới dạng điện tử và chú trọng hơn nữa vấn đề áp dụng kỹ thuật, tiến bộ khoa học trong công tác lưu trữ. Luật lưu trữ ra đời nhằm giữ gìn, bảo tồn và khai thác các tài liệu quý và cả các tài liệu đặc biệt quý, cả vật thể và phi vật thể của quốc gia, dân tộc, của các cơ quan, tổ chức và của các dòng tộc và cá nhân, trên các tất cả các lĩnh vực về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, khoa học kỹ thuật
TRÍ KIÊN