Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến thăm viếng, dự lễ hội đền Diên Cờ.
Đền Diên Cờ xưa là một trong ba ngôi đền cổ thuộc làng Đông Chử, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đền được lập từ trước thế kỷ thứ XVII để thờ hai vị thần Sơn thần Cao Sơn, Cao Các. Theo truyền thuyết thì hai vị Sơn thần này rất thiêng, đặc biệt có công lớn trong việc chữa bệnh cứu dân; khắc phục thiên tai hạn hán, lụt bão… và được tôn thờ nhiều nơi trên cả nước. Đền Diên Cờ còn thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí - một đại công thần triều Hậu Lê, quê Nghi Lộc là người có công lớn phò hai vua là Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và Lê Thánh Tông. Ngoài ra, đền Diên Cờ còn thờ một số nhân thần là người địa phương có công với dân làng. Đền thiêng Diên Cờ đã nhận được nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến. Cùng với đền Diên Cờ là Lễ hội đền Diên Cờ được tổ chức hai năm một lần vào các ngày 20 và 21 tháng Giêng. Vào dịp này, cư dân làng Đông Chử, xã Nghi Trường luân phiên nhau làm mâm cỗ mang đến cúng tại đền. Còn hội đền diễn ra trước lễ đền, vào các ngày 18-19 tháng Giêng. Lễ hội đền Diên Cờ được tổ chức từ xa xưa cho đến năm 1947 mới kết thúc, khi người dân địa phương buộc phái tháo dỡ đền, thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”.
Mặc dù trong một thời gian dài, gần như đền Diên Cờ không tồn tại trên thực tế, nhưng giá trị văn hóa tâm linh của đền vẫn con lưu đậm trong tâm thức người dân Nghi Trường và vùng phụ cận.
Là người con của làng Đông Chử, xã Nghi Trường, tuổi thơ gắn với huyền tích đền Diên Cờ, trưởng thành, nhập ngũ, Nguyễn Đăng Giáp là một chiến sĩ lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn thời đánh Mỹ. Từng trải trận mạc, để lại một phần máu thịt nơi chiến trường, mấy lần thoát khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc, Nguyễn Đăng Giáp luôn nghĩ có bàn tay cứu giúp của Tổ tiên và những vị thần ở đền Diên Cờ…
Từ chiến trường tiến tới công trường, sau ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, “Tuấn mã Trường Sơn” Nguyễn Đăng Giáp chuyển sang hoạt động trên mặt trận kinh tế, trưởng thành nhanh chóng, đảm nhiệm chức Giám đốc, rồi Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng. Năm 2010, Nguyễn Đăng Giáp đươc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, và năm 2013, Tổng công ty 36 của ông cũng được phong tặng Anh hùng Lao động.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Vinh quy bái tổ”, nhằm suy tôn, tri ân những vị thần có công với nước, với làng; là người con chí nghĩa, nhiệt thành với quê hương xứ sở, khi thành đạt trong lập thân, lập nghiệp, Nguyễn Đăng Giáp đã cùng gia đình đứng ra đề nghị chính quyền địa phương cho tái thiết đền thiêng Diên Cờ. Vượt qua biết bao dị nghị, khó khăn, nguyện vọng tái thiết đền Diên Cờ đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Gia đình cụ Nguyễn Đăng Cẩn, mà chủ trì là người con cả - Đại tá Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp và sáu người em của ông đã bỏ một số lượng rất lớn tiền bạc, công sức; đồng thời vận động một số cá nhân ủng hộ để tái thiết đền Diên Cờ.
Mùa hè năm 2011 “công cuộc” tái thiết đền Diên Cờ đươc khởi công. Sau hơn 1 năm thi công, vượt qua biết bao khó khăn, vất vả, công trình đền Diên Cờ đã hoàn thành về cơ bản, khang trang, bề thế, uy nghi. Đền được kiến trúc hình chữ Tam; ngoài Nghi môn, là 3 tòa: Hạ điện, Trung điện, Thượng điện và một số công trình phụ; tọa lạc trên khuôn viên hơn 5.000m2. Từ đó tới nay, gia đình Đại tá Nguyễn Đăng Giáp tiếp tục đầu tư và vận động nhiều nhà hữu sản, hữu tâm đóng góp mở rộng khuôn viên, dựng tượng, đúc chuông, làm lầu bia, gác trống…
Cùng với tái thiết đền Diên Cờ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp còn đề xuất và dày công tổ chức phục hồi lễ hội đền Diên Cờ thành công. Hằng năm, giữa phần lễ và phần hội được tổ chức hài hòa, gắn kết, tạo nên sự giao thoa giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh, gây ấn tượng mạnh; được chính quyền địa phương, người dân trong vùng và khách thập phương hồ hởi đón nhận.
Sau thành công của việc tái thiết đền và phục hồi lễ hội đền Diên Cờ, Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cất công sưu tầm tư liệu và tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, cơ quan nghiệp vụ hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị chính quyền các cấp xếp hạng di tích đền Diên Cờ. Trên cơ sở đề nghị của chính quyền huyện Ngi Lộc, năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã xếp hạng đền Diên Cờ là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tiếp đó ngày 28-6-2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định xếp hạng đề Diên Cờ là Di tích cấp Quốc gia.
Việc tái thiết thành công đền Diên Cờ và khôi phục lễ hội đền thể hiện kết quả chủ trương xã hội hóa để phát triển, chấn hưng văn hóa. Nguồn tài chính là vô cùng cần thiết, nhưng trước tiên và quan trọng hơn là tâm huyết của những nhà hữu sản hữu tâm mà Anh hùng Nguyễn Đăng Giáp là điển hình và sự ứng xử của lãnh đạo các cấp cùng các tầng lớp nhân dân đối với di sản văn hóa của cha ông, nhất là di sản văn hóa tâm linh.
Các đồng chí Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và nhiều chính khách, Tướng lĩnh..., đã về thăm viếng, dự lễ hội đền Diên Cờ. Còn Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Vũ Khiêu khi về viếng thăm đến đã không giấu được cảm xúc: “Địa linh sinh Nhân kiệt, nhưng Nhân kiệt cũng có khi làm rạng danh địa linh, và Đại tá Anh hùng Nguyên Đăng Giáp là một dẫn chứng…”. Còn Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Chú trong một lần về dự lễ hội đền Diên Cờ đã bộc bạch: “…Tôi có thể nghĩ và nói một cách thoải mái, tư tin rằng: Nguyễn Đăng Giáp quả là người biết sống, đã là người biết tìm hạnh phúc tối ưu cho mình giữa cõi hồng trần này. Đặc biệt tôi tin tưởng rằng: Người dân Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An từ nay và mai sau đã có lại đền Diên Cờ thờ hai vị thần Cao Sơn, Cao Các và Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí thì được phù hộ cho cuộc sống tinh thần mà cả cuộc sống vật chất ấm no, hạnh phúc…”.
Duy Tường