Nếu như không có những chứng tích để lại, thì mấy ai còn nhớ con đường này từng là huyết mạch cho miền Nam và là trọng điểm bắn phá ngày đêm của máy bay giặc mỹ. Và cũng chính tại tọa độ chết này, máu của bao người con xứ Nghệ đã đổ xuống, làm thấm đỏ từng tấc đất, để hôm nay sự sống được hồi sinh.
Tại đỉnh dốc, tôi bắt gặp một người đàn ông đứng bên đường, nhìn xa xăm như muốn thu cả đất trời vùng Truông Bồn vào mắt. Ông tên là Trương Văn Đức, quê ở Thái Bình, là lính lái xe thời chống Mỹ. Hôm nay trong những ngày tháng Bảy, cùng với con gái đi dọc tuyến đường năm xưa thăm lại chiến trường.
Tôi muốn hỏi về con đường đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Như chạm vào vùng ký ức, người CCB kể về những con dốc, khúc cua, ngầm mà ông và đồng đội đã đi qua. Đặc biệt, về những cô gái TNXP luôn đùa vui giọng “mô tê, răng rứa”. Nắm tay nhau thành hàng, làm tiêu cho ông dẫn đoàn xe vượt qua đêm tối. Bất chợt đôi mắt ông như nhòe đi, cúi xuống ven đường hái một chùm hoa mua tím biếc, màu hoa như sắc máu giữa trưa hè tháng Bảy...Ngày 27-7-2016 bà Hà Thị Ba xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đến viếng mộ chồng là LS Nguyễn Viết Trọng tại Nghĩa trang LS Thành phố Vinh, Nghệ An Tôi cùng với người CCB bước vào Đài Tưởng niệm Truông Bồn, ông lặng lẽ cúi đầu rì rầm điều gì đó vào miền xa thẳm. Đôi mắt ông dừng lại, như bị thôi miên nơi dòng chữ ngày tháng năm 1968, nơi ghi tên của mười ba người con xứ Nghệ đã ngã xuống, nhưng chỉ tìm được bốn, còn tất cả đã hòa tan thân thể vào với đất trời, cho đất nơi này đỏ hơn để hôm nay màu xanh trùm lên, phủ kín.
Ở ban thờ, những vòng hoa viếng chỉ toàn một màu trắng, trắng muốt tinh khôi đến nao lòng. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng các chị dừng lại mãi mãi ở tuổi mười bảy, hai mươi... Hàng ngày, dòng người vào thắp hương tưởng niệm vẫn lặng lẽ, rừng bạch đàn phía sau rì rào xào xạc lá...
Người cựu binh bước ra nhìn con đường trước mặt, như tìm lại ký ức của một thời bom đạn, gian khổ mà kiêu hùng. Hình như ông đã nghe được tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng bom nổ xen lẫn tiếng cười, tiếng hát lẫn đâu đây trong gió trưa hè. Những bông hoa mua tím ở vườn hoa khu di tích vẫn nở thắm một màu tím biếc, đung đưa. Bà cụ Vinh 85 tuổi, đang tưới nước cho những cây hoa mua, dừng tay lại nhìn tôi, nói:

  • Cho thật nhiều hoa để các con nó tết thành vòng làm vương miện đội đầu...
    Nghiêng mình kính cẩn, tôi tạm biệt các liệt sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn tiếp tục hành trình về phía Tây. Chiều, tôi có mặt ở nghĩa trang liệt sỹ Việt- Lào (huyện Anh Sơn). Đây là nghĩa trang duy nhất mang tên hai quốc gia, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu chuộng tự do, hòa bình của hai dân tộc anh em. Tại đây, là nơi quy tập mộ của các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu và hy sinh ở nước bạn Lào. Những ngôi mộ liệt sỹ nằm san sát bên nhau thành hàng, thành dãy dưới bầu trời bình yên độc lập.
    Trong chiều muộn, khói hương cuộn lấy nắng vàng, chậm chậm bay lên như còn vương vấn chốn trần gian, gió vẫn rì rào hát mãi, nhè nhẹ mơn man như lời ru đưa các anh sâu vào giấc ngủ. Những ngày này ở nghĩa trang rất đông người đến dâng hương. Họ là mẹ, là chị hay đồng đội của các liệt sỹ. Có ai có thể hững hờ, không run lên vì xúc động trước hình ảnh những người mẹ lưng còng, tóc đã bạc lặng lẽ ngồi trước tấm bia ghi tên con mình hàng giờ với khuôn mặt bình thản, bởi nỗi đau đã mài mòn lòng mẹ theo thời gian. Tôi không dám bắt chuyện với ai, không dám phá đi sự tĩnh lặng, giao thoa quá đỗi thiêng liêng của mẹ với những người con nằm đó.
    Những ngôi mộ nằm ngay ngắn với đầy đủ tên tuổi, ngày tháng hy sinh mới thấy hết công sức, tình đồng đội và sự cố gắng của toàn xã hội, trong việc tìm đưa các anh trở về với đất mẹ thân yêu. Nhưng còn đó, hàng trăm ngôi mộ liệt sỹ khác vẫn để trống. Dòng chữ “chưa biết tên” khắc ghi nơi tấm bia như vết dao cứa vào lòng của tất cả mọi người. Bởi anh nằm đó, đã về đất mẹ nhưng vẫn lạc với gia đình.
    Thắp một bó hương, tôi đi từng ngôi mộ không tên và thầm nói: Các anh ơi, dù các anh là ai nhưng vẫn là người con của Mẹ Tổ Quốc Việt Nam!
    Một chiếc xe quân sự đỗ lại, có sáu người bước xuống đi vào nghĩa trang. Quân phục trên người nhuốm đầy bụi đường, cho thấy họ đang trên đường trở về sau một chuyến công tác dài. Sau khi thắp hương ở đài tưởng niệm ở giữa nghĩa trang, các anh đi theo hàng dọc đến khu B. Những cây hương được các anh chia nhau đi thắp lên từng ngôi mộ, rồi đứng thành hàng ngang đưa tay lên vành mũ. “Nghiêm, chào” tiếng hô của người sỹ quan vang xa, len lỏi đến từng hàng bia mộ. Một phút cúi đầu mặc niệm, rồi họ lên xe tiếp tục cuộc hành trình.
    Ngày hôm sau, tôi trở về ghé thăm nghĩa trang liệt sỹ thành phố Vinh. Một cơn mưa nhè nhẹ bất chợt đổ xuống, làm cho những hàng mộ trong nghĩa trang trở nên trầm mặc hơn. Dù vậy, vẫn có rất đông các đoàn khách thuộc cơ quan, đoàn thể đến dâng hương ở đài tưởng niệm.
    Tôi gặp bác Hoàng Thế Phương, CCB đã từng chiến đấu ở chiến trường tây Quảng Ngãi, đang thắp hương cho người đồng đội hy sinh năm 1968, được chuyển về đây. Bác nói: “Thế hệ chúng tôi ngày đó, ra đi đâu ai nghĩ trở về. Còn lành lặn rời khỏi cuộc chiến là hạnh phúc lớn lao rồi”. “Còn rất nhiều anh em đang nằm lại, chưa có điều kiện để đưa về”. Tôi nghe trọng giọng bác chất chứa đầy trăn trở.
    Khi cơn mưa vừa dứt hạt, mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Ký 78 tuổi, đi đến từng ngôi mộ, cẩn thận dùng khăn lau sạch bụi và nước mưa đọng lại trên những tấm bia. Thấy tôi ái ngại, Mẹ chỉ cho tôi ngôi mộ của Liệt sỹ Trần Trọng Hưng rồi nói:
  • Con mẹ nằm đó, thì xung quanh đây là các đồng đội của nó mà.
    Tôi nghẹn lại, rồi nghĩ đến những câu thơ của Tố Hữu:
    “....Bao bà cụ từ tâm làm mẹ
    Yêu quý con như đẻ con ra
    Cho con nào áo nào quà
    Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi...”
    Ôi lòng mẹ Việt Nam thời nào cũng thế.
    Thế hệ chúng tôi được sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn im tiếng súng, nên sự khốc liệt, đau thương của chiến tranh chỉ được cảm nhận qua sách vở. Nhưng nỗi đau không chỉ nằm ở trên con chữ giản đơn, mà những vết thương của chiến tranh còn hơn thế nữa, dai dẳng đến tận bây giờ. Vậy mà mấy ai trong chúng tôi cảm nhận hết để rồi trân trọng những gì đang có.
    Tôi đã từng đọc đâu đó lời văn “Nếu được đặt tên cho tháng ngày, tôi đặt cho tháng Bảy là Tấm Gương Soi, để dành cho tháng Bảy một cõi thiêng của lòng mình nhớ về quá khứ, để ghi ơn những con người đã ngã xuống để giữ tên làng, tên núi, tên sông...”.
    Các anh đã ngã xuống, để trở thành những anh hùng của non sông đất nước. Xin các anh hãy giúp thế hệ hôm nay nhân lên sức mạnh, còn chúng tôi, nguyện soi vào tháng Bảy để nhắc nhớ thân mình. Xin tất cả đừng vì sự bình yên, mà cho phép mình lãng quên những ngày tháng đau thương, mất mát của toàn dân tộc. Hãy soi mình vào cõi thiêng dân tộc.
    Bài, anh: Nguyễn Sơn