Báo tháng 9 -Cuốn "Người Do Thái dạy con" do NXB Thanh Hóa ấn hành vào quý 4-2014, gồm nhiều mẩu chuyện nhỏ rất thú vị. Sau đây là hai chuyện tiêu biểu mà tôi muốn kể lại với "Tuổi sáu mươi" chúng mình.
Chuyện kể rằng những năm kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng, có ông chủ lò bánh người Do Thái quyết định phát không bánh cho 20 trẻ em nghèo mỗi ngày.
Hằng ngày, các em nghèo tập trung ở nhà ông chen lấn xô đẩy cốt giành được chiếc bánh to. Lấy được bánh là các em đi thẳng, quên cả cảm ơn ông chủ lò bánh.
Tuy vậy, có một em bé gái không bao giờ chen lấn. Do đó, phần của em thường là chiếc bánh nhỏ. Được bánh, bao giờ em cũng cảm ơn ông chủ - lại còn hôn lên tay ông chào tạm biệt. Mặc dù phần bánh của em chỉ còn là mẩu bánh. Em mang về đưa tận tay mẹ.
Mẹ em bẻ ra thấy mấy đồng tiền lẫn bên trong. Mẹ vội vàng bảo em mang trả lại ông chủ lò bánh, vì bà nghĩ thợ làm rơi vào trong lúc nhào bột.
Em bé gái nghe theo lời mẹ dặn mang trả lại mấy đồng tiền cho ông chủ lò. Nhưng ông chủ lò nói: “Cháu hãy cầm lấy, vì đây chính là ta cố ý bỏ vào. Đây chính là phần thưởng cho những ai không vì miếng ăn mà đạp lên đồng loại”.
Chuyện thật bình dị mà sâu sắc phải không các bạn Tuổi sáu mươi chúng mình?
Thế là từ bé, các em đã được dạy để hiểu là sống phải nhường nhịn, sẻ chia. Và sự nhường nhịn, sẻ chia ấy đã nhận được phần thưởng xứng đáng.
Đó là trong mối quan hệ giữa người với người.
Tuy nhiên người Do Thái cũng rất chú ý dạy con về trường đua ngoài đời. Mà theo triết lý của người Do Thái thì “cuộc đời là một trường đua”, nên nếu không đặt ra mục tiêu rõ rệt, sẽ khó vượt qua được những khó khăn, thách thức.
Người Do Thái lấy tấm gương của nhà bác học lỗi lạc Einstein để dạy con: Ông Einstein vốn xuất thân từ một gia đình Do Thái nghèo sống ở Đức. Hồi học tiểu học và trung học, ông học rất bình thường. Ông tự phân tích, đánh giá năng lực của chính bản thân mình, thấy thành tích các môn học không tốt, nhưng riêng hai môn số học và vật lý lại nổi bật. Ông liền tập trung học thật tốt hai môn đó và đã xin vào học Khoa Vật lý của một trường Đại học ở Thụy Sĩ.
Bài học về xác định đúng khả năng của mình để phát huy nó bằng kết hợp với sự cần cù, ham học hỏi, đã giúp Einstein thành nhà khoa học tài năng, nổi tiếng thế giới với Thuyết Tương đối luận hẹp - một sự thay đổi lớn về nhận thức của loài người đối với vũ trụ.
Tóm lại, người Do Thái thông qua những câu chuyện “người thật, việc thật” để dạy con ngay từ thuở nhỏ tình nhân ái, sự sẻ chia nhường nhịn với đồng loại, và ý chí tự quyết, tự vươn lên trong cuộc sống, không ỷ lại vào sự sắp xếp của bố mẹ.
Phải chăng các gia đình ở Việt Nam chúng ta cũng có thể học hỏi qua cuốn sách này được rất nhiều điều như trên?
Bạn đã có trên giá sách cuốn sách này chưa? Nếu chưa có bạn hãy liên hệ với Báo CCB Việt Nam, tôi sẽ gửi tặng 6 cuốn cho 6 người liên hệ đầu tiên.
Tại sao lại chỉ có 6 cuốn? Vì hôm rồi, tôi đi chợ sách cũ. May quá vơ được 12 cuốn. Tôi đã tặng bạn bè 4 cuốn; 2 cuốn cho 2 đứa con, nên chỉ còn 6 cuốn.
Chính ở Tuổi sáu mươi chúng mình bây giờ lại có cơ hội dạy lũ trẻ, vì vừa có thời gian, vừa có kinh nghiệm hơn. Với cũng là để “sửa sai” những gì trước đây mình dạy lũ trẻ chưa tốt, do thiếu kinh nghiệm.
Bố mẹ chúng nó sẽ đội ơn ông bà hết chỗ nói - bảo là: “Thật không ngờ ông, bà nghỉ hưu, nhưng không nghỉ việc!”.
Được các con khen thế sống lâu lắm đấy. Mà mình thấy mình sống có ích phải không Tuổi sáu mươi chúng mình?
VĂN MINH THIỀU