Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho học sinh đoạt giải các cuộc thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022. Ảnh: TTXVN
Chiều 26-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, biểu dương 33 học sinh đoạt giải Olympic và Giải khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Trân trọng trao tặng 10 Huân chương Lao động hạng Nhì, 7 Huân chương Lao động hạng Ba cho học sinh có thành tích xuất sắc kỳ thi Olympic và Giải khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp gỡ các gương mặt học sinh đem về vinh quang cho Tổ quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, truyền thống của dân tộc ta luôn chú trọng đến việc "chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp thêm nguyên khí". "Xem trọng hiền tài" cũng là một tư tưởng xuyên suốt từ thời phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu và dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục.
Chủ tịch nước cho rằng, buổi gặp mặt và tuyên dương 33 học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 cùng các thầy, cô giáo ngày hôm nay là một trong những dấu mốc cho quá trình dài liên tục đầu tư, bồi dưỡng, phát huy những tài năng trẻ đất Việt.
Chủ tịch nước cũng đánh giá, chất lượng giáo dục ở nước ta ngày càng được nâng lên ở tất cả cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Học sinh của Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam.
Trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam đã giành được 57 Huy chương Vàng, nhiều gấp hơn hai lần số Huy chương Vàng so với giai đoạn 2012 - 2016. Năm 2022, chúng ta có 7 đoàn học sinh giỏi với 38 lượt học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế. Các em đều đoạt giải cao, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, Việt Nam cũng có 7 dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 và 2 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ, doanh nghiệp trao tặng.
Biểu dương, khen ngợi, đánh giá cao Đoàn Học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế, Chủ tịch nước cũng hoan nghênh các thầy giáo, cô giáo, chúc mừng ngành Giáo dục về thành tích đặc biệt này.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và hành động cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, tạo động lực mạnh mẽ cho những công dân trẻ, những chủ nhân ưu tú của đất nước phấn đấu, dấn thân xây dựng Tổ quốc.
Nhắn nhủ các thầy cô giáo, Chủ tịch nước mong muốn "các thầy cô hãy đi đầu, là nhân vật trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, là những tấm gương sáng để học sinh noi theo".
Chủ tịch nước mong muốn học sinh đặc biệt là các em có thành tích cao tiếp tục học tập với tinh thần: "Thắng không kiêu, bại không nản"; tiếp tục rèn luyện phẩm chất, đạo đức, các kỹ năng cần thiết để trở thành công dân ưu tú, công dân trách nhiệm, công dân toàn cầu, đóng góp xây dựng đất nước. Học đi đôi với hành; có tài phải đi liền với có đức, từ những nét cụ thể nhất như: Văn hóa ứng xử hàng ngày với thầy cô, cha mẹ, với bạn bè; tinh thần nhân văn, nhân ái; giúp đỡ người khác...
Nhắc đến bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước và đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trên nhiều lĩnh vực, nhất là về nguồn nhân lực, Chủ tịch nước mong muốn các em "chuẩn bị cho mình những hành trang tri thức mà Việt Nam, thế giới đang và sẽ cần đến".
Cùng với đó, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải chuyển dần từ dựa vào đầu tư, sức lao động thông thường sang dựa vào đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Những thành tựu của khoa học công nghệ (như Internet vạn vật (lol), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), siêu máy tính di động, robot thông minh, xe tự lái, in 3D, công nghệ sinh học, chỉnh sửa di truyền...) đang mang đến cả cơ hội và thách thức. Do đó, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ là những người nắm bắt thành tựu và các xu hướng mới giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.
"Tôi mong rằng những nhân tài trẻ Việt Nam phải có khát khao chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ để phục vụ sự phát triển của Việt Nam", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng nhắc lại ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, cần chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành; lý luận gắn thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; tập trung để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với công tác nghiên cứu; gắn đào tạo với thị trường; gắn đào tạo trong nước với liên kết quốc tế...
Thay mặt các học sinh giỏi có mặt tại buổi gặp mặt, em Ngô Quý Đăng, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (đạt điểm tuyệt đối 42/42) bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước, lãnh đạo các bộ, ngành và các thầy cô giáo đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các em.
Chia sẻ về hoài bão của mình, Ngô Quý Đăng cho biết, sau khi được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và thành công thực tế, em mong muốn sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, xung phong hỗ trợ, định hướng cho các thế hệ khóa sau, để góp phần cùng các thế hệ cha anh đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường.
TTXVN