Lãnh đạo Sở Y tế thành phố phối hợp cùng UBND huyện Hoài Đức tuyên truyền tới các hộ dân tại thị trấn Trạm Trôi về phòng, chống sốt xuất huyết.

Thách thức lớn nhất trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiện nay là chưa có vắc-xin và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, ý thức của mỗi người dân về phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết là rất quan trọng.

Thông tin từ buổi phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết vừa được Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức, năm 2022, thành phố ghi nhận hơn 19.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 25 trường hợp tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) T.P Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố ghi nhận 384 ca mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 168/579 xã, phường, thị trấn. CDC Hà Nội phối hợp với các Trung tâm Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân cấp.

Ngành Y tế nhận định: Tình hình sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống sốt xuất huyết còn nhiều khó khăn. Bởi bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để phòng ngừa, nhận thức người dân và thông tin là yếu tố quan trọng nhất. Các biện pháp không chỉ dừng lại ở việc duy trì môi trường sạch sẽ và tiêu diệt muỗi, mà còn nằm trong sự thay đổi thói quen sống hằng ngày của người dân.

TS. Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Để phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của Ngành Y tế, một mình Ngành Y tế không thể đối phó với sốt xuất huyết. Để phòng ngừa được dịch bệnh này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành.

Đối với Ngành Y tế là cơ quan thường trực, tiếp tục theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn, tập trung chính vào các nhiệm vụ chuyên môn như: tổ chức việc thu dung khám bệnh, phân độ, phân tuyến, điều trị bệnh nhân, đảm bảo sự tham gia của tất cả các tuyến khám, chữa bệnh, tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.

Đối với các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách đồng bộ trong đó tập trung quyết liệt việc diệt muỗi, diệt bọ gậy, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tiết kiệm…

Đối với xã, phường, thị trấn cần làm tốt công tác giám sát phát hiện sớm các ca nghi sốt xuất huyết; triển khai kịp thời các biện pháp đáp ứng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; tổ chức hoạt động giám sát côn trùng truyền bệnh tại các khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm, khu vực ổ dịch cũ, khu vực có bệnh nhân mới để đánh giá các chỉ số từ đó tham mưu kịp thời cho UBND tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và các chiến dịch phun thuốc chủ động phòng, chống dịch…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Trần Thị Nhị Hà đề nghị chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, sử dụng hình thức tuyên truyền qua Zalo, Tiktok, mạng xã hội… để người dân chủ động tiếp cận thông tin về dịch bệnh một cách nhanh nhất, sớm nhất về dịch bệnh, tạo thành nề nếp việc duy trì hoạt động diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà hằng tuần tại hộ gia đình; tại cơ quan xí nghiệp, tại trường, quán ăn.. Đặc biệt, khi có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Nguyễn Thảo